Hà Tĩnh: Dừng triển khai chương trình trường học mới VNEN bậc THCS
Sau khi nghe báo cáo và những kiến nghị đề xuất của Hội đồng, ý kiến của các đại biểu tham dự, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất kết luận như sau:
Đối với bậc Trung học cơ sở: Dừng triển khai chương trình trường học mới VNEN, trở lại học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối với bậc Tiểu học: Không triển khai thêm các lớp học mới VNEN. Đối với các lớp đang học chương trình VNEN: Giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ trì, phối hợp với các đợn vị có liên quan tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể, thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch các nội dụng sau:
Tổng số học sinh mỗi lớp học không quá 30 em; cơ sở vật chất lớp học phải đáp ứng theo quy định trường học mới VNEN của Bộ Giáo dục và Đào tạo; giáo viên giảng dạy được Sở Giáo dục và Đào tạo tập huấn, bồi dưỡng, công nhận đủ tiêu chuẩn dạy Chương trình VNEN.
Khi các lớp đủ các điều kiện nêu trên, tiến hành lấy ý kiến tự nguyện của phụ huynh và giáo viên theo quy chế dân chủ cơ sở: tổ chức 2 Hội nghị bỏ phiếu kín: Hội nghị của Ban giám hiệu nhà trường, trưởng, phó các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, các giáo viên đã, đang trực tiếp dạy học theo chương trình VNEN và Hội nghị phụ huynh của học sinh.
Lớp học theo mô hình VNEN |
Đối với các lớp học đảm bảo đồng thời đạt 2/3 phiếu đồng ý trở lên của các thành phần được lấy ý kiến tại 2 Hội nghị nói trên, UBND các huyện, thành phố, thị xã báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép tiếp tục triển khai thực hiện học chương trình VNEN theo quy định.
Được biết, VNEN được Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên Hiệp Quốc tài trợ 84,6 triệu USD và triển khai tại 1.447 trường tiểu học từ năm học 2012 – 2013 đến 2016. VNEN được triển khai thành công tại Colombia từ những năm 1995 - 2000 để dạy học những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy HS (học sinh) làm trung tâm.
Cơ sở lý thuyết của mô hình này là “Thuyết kiến tạo”, “mỗi học sinh tự hoạt động làm ra sản phẩm học tập bằng cách vận dụng kiến thức đã có để giải quyết tình huống mới nảy sinh và sắp xếp kiến thức mới nhận được vào cấu trúc các kiến thức hiện có của mình, lúc đó kiến thức mới được gia tăng, đồng thời có giá trị ứng dụng thực tiễn”.
Với nguyên lý, lý thuyết hiện đại và hấp dẫn như vậy nhưng khi đi vào thực tiễn giáo dục Việt Nam, VNEN không đạt được như kỳ vọng, thậm chí trở thành nỗi sợ hãi của hàng nghìn, hàng vạn phụ huynh.
Ở Việt Nam, đối với cấp tiểu học, năm học 2011 - 2012, Bộ GD&ĐT tiến hành thí điểm mô hình tại 6 tỉnh là: Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Kon Tum, Đăk Lăk, Khánh Hòa (với 48 lớp 2, tại 24 trường ở 12 huyện).
Năm học 2012 - 2013, Dự án Mô hình trường học mới triển khai tại 63 tỉnh, thành phố với tổng số trường tham gia Dự án là 1.447 trường.
Năm học 2013 - 2014, có 20 tỉnh tự nguyện mở rộng áp dụng mô hình này ở các trường ngoài dự án với 257 trường/tổng số học sinh là 62.064 học sinh.
Năm học 2014 - 2015, có 20 tỉnh tự nguyện mở rộng áp dụng mô hình này với 987 trường/tổng số học sinh là 133.562 học sinh.
Năm học 2015 - 2016, có 54 tỉnh tự nguyện mở rộng áp dụng mô hình này với 2.245 trường/tổng số học sinh là 450.445 học sinh.
Năm 2016 - 2017, các trường tiểu học thuộc Dự án là 1.370 trường, giảm 73 trường của Hà Giang và 4 trường của các tỉnh khác do sáp nhập trường; có 3.067 trường không thuộc Dự án tự nguyện tham gia áp dụng mô hình.