Hà Tĩnh: Đột ngột cắt hợp đồng 200 giáo viên không qua xét tuyển
Hàng trăm giáo viên bị cắt hợp đồng đang đứng trước nguy cơ mất việc làm (ảnh: TH) |
Cắt hợp đồng, rồi thi tuyển lại
Huyện Kỳ Anh vừa có văn bản chấm dứt hợp đồng đối với 200 giáo viên, một con số không nhỏ. Đây là hành động để đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua khen thưởng. Việc này đang khiến hàng trăm giáo viên có nguy cơ mất “cần câu cơm”.
Rõ ràng, hiện trạng dôi dư giáo viên tại Hà Tĩnh là con số không nhỏ, lên đến gần 1.500 giáo viên. Một số cấp học, trường học, vì thiếu giáo viên bộ môn, đã nhận về nhiều người và hợp đồng làm việc mà không qua xét tuyển.
Vì lý do này, huyện Kỳ Anh đã có chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện gửi công văn về tất các trường mầm non đến THCS trên địa bàn, đề nghị lập danh sách giáo viên, nhân viên có thể cắt hợp đồng gửi về huyện.
Văn bản số 570/ UBND-NV yêu cầu các trường lập danh sách những giáo viên, nhân viên đã được ký hợp đồng trước đóđể gửi lên huyện để chấm dứt hợp đồng |
Theo đó, danh sách lập ra có khoảng 200 người. Số người này sẽ bị cắt hợp đồng làm việc. Bước tiếp theo, Phòng GD&ĐT huyện sẽ tuyển dụng lại từ đầu thông qua xét tuyển. Nghĩa là, một lần nữa, khoảng 200 giáo viên này lại “ôm” hồ sơ đi xét tuyển thêm một lần nữa!
Khi tuyển dụng thành công, ngân sách huyện sẽ không chi trả lương. Thay vào đó Phòng GD&ĐT và các trường tự túc tài chính, trả lương cho giáo viên hợp đồng đã trúng tuyển.
Chỉ cắt những hợp đồng vượt chỉ tiêu?
Hỏi về lý do cắt hợp đồng 200 giáo viên, nhân viên, bà Nguyễn Thị Tường Vân, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh cho biết, đó là thực hiện theo công văn chỉ đạo về phương án bố trí nhân sự của Sở Nội vụ. Cụ thể, những trường hợp này cuối tháng 5 sẽ phải chấm dứt hợp đồng hoàn toàn.
Ở Kỳ Anh có nhiều người đã ký hợp đồng với huyện, dài thì 7-8 năm, ngắn là 2-3 năm. Họ đều được nhà trường nhận về làm mà không qua xét tuyển. Trong khi đó phía tỉnh yêu cầu hợp đồng phải có chỉ tiêu từ tỉnh đưa xuống và phải qua xét hồ sơ.
Bà Vân cũng nói thêm, việc này cũng có phần thiệt thòi đối với các cô thầy và sẽ khiến các trường học trong toàn huyện Kỳ Anh thiếu nhân sự. Phòng cũng muốn ký hợp đồng trở lại với họ nhưng tỉnh không cho phép. Trong khi đó nguồn ngân sách của huyện lại không có để bù vào. Do vậy số giáo viên này sẽ phải nghỉ dạy.
Văn bản phía Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh gửi về các trường yêu cầu lập danh sách đối với những giáo viên, nhân viên ký hợp đồng trước đó |
Khi hỏi về con số khoảng 200 giáo viên bị cắt hợp đồng sẽ đi về đâu?, bà Tường Vân cho biết: “Cái khó của phòng là sắp tới huyện Kỳ Anh tiến hành chia cắt huyện, nên phòng chưa thể đưa ra phương án mới. Sau khi chia cắt huyện, phòng sẽ bàn bạc, lập kế hoạch xem các trường thiếu bao nhiêu chỉ tiêu rồi mới trình tỉnh cho phương án đối với các giáo viên vừa bị chấm dứt hợp đồng. Dẫu sao họ cũng có kinh nghiệm và thâm niên công tác”.
Trong khi đó, ý kiến chung của những giáo viên nằm trong danh sách bị cắt hợp đồng là cực lực phản đối. Còn phía lãnh đạo các trường, việc phải cắt hợp đồng với các giáo viên là cái khó cho trường! Nếu huyện không rót ngân sách về trường, trường sẽ lấy đâu ra tiền trả lương cho giáo viên hợp đồng?
Theo ông Trần Huy Liệu, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh, việc ra công văn này là thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh về đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua khen thưởng.
Quyết định này áp dụng cho tất cả các huyện, huyện Kỳ Anh là thí điểm, vì sắp tới tách huyện, lên thị xã.
Còn ông Nguyễn Phi Quang, Giám đốc Sở nội vụ cũng cho biết, một khi công văn của Sở đã ban hành ra là có cơ sở, thông báo rộng rãi: "Ở đấy, công văn 343/SNV-TCBC nêu rõ, không yêu cầu cắt ngang hết các giáo viên như vậy mà chỉ yêu cầu cắt các giáo viên và nhân viên hợp đồng vượt chỉ tiêu đã được giao cho các trường".