Hà Tĩnh: 9 học sinh mầm non bị đau bụng, nôn mửa sau ăn chiều tại trường
Chiều 12/11, trao đổi với PV Infonet, ông Trịnh Hồng Mạnh, Trưởng phòng GD-ĐT Đức Thọ (Hà Tĩnh) xác nhận, có 9 học sinh mầm non trên địa bàn bị nôn mửa sau khi ăn chiều, hiện đang được chăm sóc và theo dõi.
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đức Thọ thông tin, trong số 4 cháu đang được chăm sóc tại bệnh viện thì sức khỏe của 2 cháu cơ bản đã đỡ, còn 2 cháu đang tiếp tục truyền và theo dõi, chưa khẳng định nguyên nhân gì cả.
Cũng theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đức Thọ, phía phòng đã cử cán bộ xuống trực tiếp theo dõi để nắm bắt tình hình.
Sau khi ăn chiều, 9 học sinh Trường Mầm non Trường Sơn bị đau bụng, nôn mửa phải đưa đi điều trị tại bệnh viện |
Theo đó, vào chiều ngày 11/11, sau khi ăn cháo bồ câu giữa buổi được khoảng 30 phút, thì 9 cháu bé (6 cháu lớp 3 tuổi, 3 cháu lớp 4 tuổi) Trường Mầm non Trường Sơn (huyện Đức Thọ) có dấu hiệu bị đau bụng, nôn mửa và đi ngoài.
Ngay sau đó, nhà trường đã báo cho phụ huynh đến và đưa 4 cháu vào điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ; 5 cháu còn lại do nhẹ hơn nên được điều trị tại phòng khám tư ở xã Liên Minh.
Hiện sức khỏe của các cháu đã cơ bản ổn định |
Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ cho biết, bệnh viện đón 4 cháu nhập viện điều trị trong tình trạng bị nhiễm độc, nhiễm trùng nhẹ, đau bụng, nôn và đi ngoài.
Theo ông Sơn, qua các xét nghiệm, nhận định ban đầu có thể đây là nhiễm khuẩn thức ăn, vì cháu nào bạch cầu cũng tăng cao, có cháu trên 21.000. Hiện nay tình trạng sức khỏe của các cháu cơ bản đã ổn định.
Được biết, thực đơn bữa trưa ngày 11/11 của các cháu gồm: cơm trắng, trứng gà, canh hẹ nấu với thịt lợn nạc; bữa chiều gồm: cháo bồ câu, thực phẩm và rau xanh, tất cả đều được nhà trường mua tại địa phương.
Hiện, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Đức Thọ cùng lực lượng chức năng đã lấy mẫu thực phẩm gửi vào Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh để xét nghiệm và tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.
Trần Hoàn
Liên tiếp trẻ bỏng nước sôi và những cách sơ cứu sai lầm của bố mẹ
Có nhiều tác nhân gây bỏng, thường gặp ở trẻ em là bỏng do nước sôi, ngoài ra có thể là dầu mỡ sôi, lửa hoặc điện, hóa chất. Tổn thương bỏng rất đa dạng, nặng nề.