Hà Nội: Xây dựng nông thôn mới là một quá trình không có điểm kết thúc
Xây dựng NTM là một quá trình không có điểm kết thúc. Mục tiêu cuối cùng là đời sống của người dân phải được nâng cao hơn và người dân là người thụ hưởng thành quả xây dựng NTM.
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng |
Đây là phát biểu của Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào chiều 6/8.
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở NN & PTNN Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đối với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến hết tháng 6/2020, Thành phố đã đánh giá, phân hạng đối với 301 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 207 sản phẩm 4 sao; 88 sản phẩm 3 sao.
Giám đốc Sở NN& PTNN cũng nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, Thành phố sẽ phấn đấu có thêm 700 sản phẩm để hoàn thành nhiệm vụ Bí thư Thành ủy giao. Ngoài ra, Thành phố tổ chức quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, với trên 140 chủ thể tham gia. Tại đây, đã có 109 biên bản ghi nhớ về kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP của Thành phố.
Cũng theo Giám đốc Sở NN&PTNT, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu 100% xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 30% xã NTM nâng cao và 15% xã NTM kiểu mẫu, 2 xã đạt chuẩn NTM Thủ đô và 100% huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025. Thành phố cũng phấn đấu mỗi năm đánh giá, phân hạng 400 sản phẩm OCOP.
Đánh giá cao và bày tỏ ấn tượng trước kết quả phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM của thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, Hà Nội cần khơi dậy mạnh hơn tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm OCOP của Thành phố.
Đặc biệt, cần hướng tới mục tiêu là trung tâm về cung ứng và sáng tạo các sản phẩm OCOP; đầu mối để thu hút sản phẩm OCOP cả nước và xuất khẩu hàng nông sản...
Thứ trưởng Trần Thành Nam cũng lưu ý Hà Nội cần tính toán để nâng tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong nhiệm kỳ tới, đảm bảo đồng bộ với tiêu chí của Trung ương và phù hợp với đặc thù, thế mạnh của Hà Nội.
Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, cần bổ sung một số nội dung, trong đó, có việc xây dựng “làng thông minh” trong NTM để nâng cao hiệu quả quản trị. Cùng với đó, hết sức lưu ý đến vấn đề môi trường và đảm bảo an ninh trật tự tại các xã.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ kinh nghiệm của một số địa phương trong việc chính quyền hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân trong việc tự xử lý rác thải tại nguồn và đề nghị Hà Nội nghiên cứu, triển khai để giảm áp lực cho các nhà máy xử lý rác thải.
Trước những ý kiến của Thứ trưởng Bộ NN & PTNT, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Hà Nội xác định phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và nâng cao đời sống nông dân tiếp tục là một nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới.
Cho rằng, xây dựng NTM là một quá trình không có điểm kết thúc, Phó Bí thư nhấn mạnh, Thành phố cũng xác định, sau khi hoàn thành xây dựng NTM phải tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, tiến tới NTM kiểu mẫu.
Do vậy, Hà Nội kiến nghị Trung ương không nên có bộ khung cứng về NTM kiểu mẫu, mà nên để các địa phương tùy đặc điểm tình hình để xây dựng các tiêu chí cụ thể... Mục tiêu cuối cùng là đời sống của người dân phải được nâng cao hơn và người dân là người thụ hưởng thành quả xây dựng NTM.
Về giải pháp xây dựng NTM gắn với đô thị hóa, hiện nay, Hà Nội đã phê duyệt Đề án 5 huyện hoàn thành xây dựng NTM để phát triển lên quận. Về mặt cơ sở pháp lý đã đầy đủ, đồng thời, các điều kiện của 5 huyện cũng cơ bản đáp ứng, do vậy, Hà Nội kiến nghị Bộ NN&PTNT ủng hộ Thành phố trong vấn đề này để nâng tỷ lệ đô thị hóa của Thành phố, đáp ứng xu hướng phát triển và tình hình thực tiễn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng cho biết, Hà Nội sẽ phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam để xây dựng Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp trong nông nghiệp, thông qua đó, vừa hỗ trợ nghiên cứu, phát triển các nguồn giống cây trồng, vật nuôi để cung ứng cho Hà Nội và cả nước.
N. Huyền