Hà Nội tính chuyện dỡ bỏ dải phân cách cứng
Sau 3 năm triển khai phân làn 6 tuyến đường bằng dải phân cách cứng trên địa bàn Hà Nội, người dân và nhiều chuyên gia giao thông đã lên tiếng cho rằng giải pháp phân làn cứng không thực sự hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Hà Nội sẽ đánh giá, bỏ phân làn bằng dải phân cách cứng |
Tại buổi tiếp xúc cử tri mới đây giữa đoàn ĐBQH Hà Nội với cử tri quận Hai Bà Trưng, nhiều ý kiến đã phản ánh thực trạng tại các khu vực phân làn bằng dải phân cách cứng, các biển báo thường xuyên bị xô lệch, đổ biển cho thấy đã xảy ra những vụ va đập lớn ở đó. Nhiều ý kiến đề nghị nên dừng việc phân làn bằng dải phân cách cứng.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, sau khoảng 1 tháng triển khai phân làn bằng dải phân cách cứng, đã có 200 cột biển báo cắm ở đầu dải phân cách bị xiêu vẹo, xô đổ. Nguyên nhân được xác định là do lái xe không tập trung quan sát những biển báo và đâm vào.
Trao đổi về vấn đề này vào ngày 24/9, Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhận định, mục đích của việc phân làn là nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, nhưng việc này không thể làm trong một sớm một chiều mà cần phải có thời gian.
Theo ông Sửu, ở nhiều thành phố lớn trên thế giới như Tokyo (Nhật Bản), Băng Cốc (Thái Lan) trước đây cũng phải đặt dải phân cách, nhưng bây giờ khi đã hình thành được ý thức của người tham gia giao thông, các thành phố này đã dỡ bỏ dải phân cách cứng.
Phó Chủ tịch Hà Nội cũng thừa nhận những băn khoăn, quan ngại của người dân về việc xảy ra tai nạn tại những dải phân cách là có cơ sở. Về việc này, Hà Nội đã giao cho Sở Giao thông, Công an nghiên cứu, và tiến hành dỡ bỏ nếu thấy không còn phù hợp.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng cho biết, việc phân luồng phân tuyến là cần thiết, nhưng khi dư luận không đồng tình là điều rất nguy hiểm. Việc phân làn bằng dải phân cách cứng cũng nhằm mục đích để người dân không lái xe sang phần đường khác. Nhưng dải phân cách cứng lại gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Trước thực tế đó, Bí thư Hà Nội đề nghị các đơn vị cần sớm đánh giá về hiệu quả của dải phân cách cứng, nếu thấy ý kiến phản ảnh của người dân là đúng thì phải dỡ bỏ. Tuy nhiên tại các tuyến đường Hà Nội vẫn phải duy trì giải pháp phân làn bằng kẻ vạch sơn trắng.
Liên quan đến việc thực hiện các giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông nội đô, Bí thư Hà Nội cho rằng, giải pháp xây cầu vượt cho người đi bộ cũng mang lại hiệu quả. Mặc dù vậy khi triển khai thực hiện cũng có hai luồng ý kiến khác nhau, nhiều người ủng hộ nhưng cũng có những ý kiến phản đối. Nhưng tất cả phải đặt lợi ích chung lên hàng đầu chứ không phải vì một cá nhân, hay một nhóm người nào đó. Giải pháp xây cầu vượt không phải chỉ có nước ta làm, Trung Quốc không những làm cầu vượt một mức mà còn làm tới 5 mức.