Hà Nội: Thi vào 10, đề toán khá "xương"
Gợi ý giải để Toán tại đây
Tại điểm thi trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), em Nguyễn Đình Tú (trường THCS Tây Tựu) cho biết: “Đề Toán năm nay nhìn chung thì khá vừa sức học sinh. Đề cũng bám sát chương trình và ở các dạng thường gặp như mọi năm. Tuy nhiên, riêng em vẫn gặp khó ở câu 4 và câu 5. Tuy nhiên, em vẫn tự tin được 8 đến 9 điểm”.
Còn em Nguyễn Công Hoàng (trường THCS Phúc Diễn) tỏ ra có chút nuối tiếc: “Theo em, đề thi vừa sức nhưng có câu 4 khá lắt léo và phải mất nhiều thời gian trình bày. Thật sự em thấy đề năm nay khó hơn năm ngoái. Là dân “cày” Toán nên em vẫn chưa hài lòng với bản thân khi khi chỉ làm được từ khoảng 80-90% đề thi”.
Tại điểm thi trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, em Lê Đức Anh (học sinh trường THCS Giảng Võ) cũng cho biết đề thi năm nay khá khó. “Đề này có thể đánh giá cũng như phân loại chất lượng học sinh. 3 câu đầu dễ kiếm điểm nhưng 2 câu sau khó. Em vẫn phải mất tới 90 phút để làm bài, cả kiểm tra lại là cũng vừa đủ chứ không hề thừa thời gian”, Đức Anh chia sẻ.
Em Trần Quỳnh Hoa (học sinh trường THCS Ba Đình) thi tại trường THPT Chu Văn An, cho biết, với đề thi năm nay để kiếm được 7 hoặc 8 không khó. “Trong đề thi, có câu hỏi yêu cầu học sinh giải bài toán bằng cách lập phương trình hoặc hệ phương trình. Dù em chưa ôn luyện nhưng em vẫn làm được và em thấy phần lớn các bạn phòng em đều làm được”, Hoa chia sẻ.
Tuy nhiên, ở bài hình học, tìm giá trị lớn nhất của biểu thức Hoa cũng như nhiều thí sinh khác đều “bó tay” bởi vì khó. “Em đã để trống, không làm được câu hỏi này”, Hoa buồn bã.
Trao đổi với PV Báo Infonet, thầy Nguyễn Cao Cường (THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, đây là một đề toán hay và có tính phân loại học sinh tốt.
“Đầu tiên, phải khẳng định đề thi vẫn theo cấu trúc truyền thống của Hà Nội những năm gần đây, biểu điểm không có sự thay đổi. Nhìn chung, mỗi phần có nội dung chứa đựng kiến thức yêu cầu học sinh tương đương năm ngoái. Tuy nhiên, đề thi năm nay có khác biệt một chút so với năm ngoái khi yêu cầu học sinh phải có kiến thức chắc chắn hơn để có thể xử lý bài tốt.
Đề thi có phần rút gọn ở câu 2, học sinh phải nắm vững kiến thức phân tích đa thức thành nhân tử thì mới có thể chứng minh được. Còn với ý 2b của bài 3 về tính diện tích tam giác , học sinh phải kẻ thêm đường phụ để có thể tính toán. Câu này có thể phân loại học sinh khá và trung bình. Còn để phân loại học sinh khá giỏi, thì dựa vào ý 4 câu 4 và câu 5.
Thực sự, để làm được ý 4 câu 4 và câu 5, thì phải là học sinh giỏi và phải nắm chắc kiến thức hình học và áp dụng linh hoạt bất đẳng thức Cauchy (Côsi) mới có thể làm được trọn vẹn”, thầy Cường chia sẻ.