Hà Nội: Rau an toàn đưa về tận khu tập thể ai kiểm định?
Thông tin trên được đưa ra tại buổi thông tin báo chí Thành ủy Hà Nội vào chiều 11/12. Theo đề án RAT thành phố Hà Nội, đến năm năm 2015 sẽ có khoảng trên 6000 ha, vượt xa mức dự kiến ban đầu từ 5000 – 5500 ha sản xuất RAT. Đến hết năm 2012 Hà Nội sẽ phát triển được 3.800 ha được phân bố tại 93 xã trọng điểm, sản lượng trung bình khoảng 250 nghìn tấn/ năm, tương đương gần 700 tấn/ ngày. Ngoài ra mỗi năm Hà Nội còn sản xuất khoảng 500 tấn rau hữu cơ/ năm (hơn 1,3 tấn/ ngày).
Mỗi năm Hà Nội sản xuất và cung cấp ra thị trường 250 nghìn tấn RAT. Ảnh IT |
Theo Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội, tại các vùng sản xuất RAT nông dân đều được đào tạo, huấn luyện về sản xuất RAT, xây dựng các nhóm nông dân nòng cốt sản xuất RAT để làm hạt nhân nhân rộng. Mạng lưới tiêu thụ tập trung ở ba chợ đầu mối phía Nam (Khu đô thị Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội) cung cấp khoảng 180 tấn/ ngày, Chợ Long Biên (Phúc Xá – Ba Đình) cung cấp khoảng 45 tấn/ ngày, chợ Đồng Xa (Mai Dịch – Cầu Giấy) với 200 tấn/ ngày.
Ngoài ra, ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội còn cho biết, hiện tại thành phố đang có khoảng 58 cửa hàng, điểm bán RAT được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và 35 siêu thị đang tiêu thụ sản phẩm RAT. Để người dân Hà Nội đều được sử dụng rau sạch, phía Chi cục còn tổ chức phát triển các điểm phân phối RAT tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị nhằm giảm chi phí ở khâu trung gian, hạ giá thành sản phẩm.
Theo ông Anh, mỗi điểm phân phối RAT có khoảng 50 hộ dân, địa điểm tiếp nhận được đặt cố định có gắn biển hiệu, bảng giá… các điểm này sẽ kết nối với các HTX sản xuất để đặt hàng, mỗi tuần sẽ đưa rau từ 2 – 4 lần theo đơn đặt hàng của từng điểm. Đến thời điểm này Hà Nội đã xây dựng được 37 điểm phân phối RAT tại khu dân cư, các cơ quan đơn vị, tập trung ở các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình…
Tuy nhiên mô hình này vẫn chưa được nhân rộng, lý do theo ông Nguyễn Hồng Anh nếu mở các điểm bán RAT mà không tiêu thụ hết sẽ bị lỗ, vì thế DN không dám làm mà chỉ cam kết cung cấp theo đơn đặt hàng.
Theo khảo sát của PV báo điện tử Infonet tại vùng rau an toàn Vân Nội mới cách đây ít tuần, việc trồng RAT đòi hỏi kĩ thuật, công chăm sóc, đầu tư nhiều, tuy nhiên giá bán hiện nay không cao hơn so với các vùng rau khác. Đầu ra cho RAT người trồng tự tìm, cũng không còn sự kiểm định nên nông dân ngày càng buông lỏng kĩ thuật, RAT Vân Nội về cơ bản chỉ còn là thương hiệu.
Khi được hỏi về việc duy trì thương hiệu và phương thức trồng RAT anh K, người trồng rau trên cánh đồng Vân Nội chia sẻ khẳng khái: Làm RAT nhiều khi cũng bất trắc, tuân thủ kĩ thuật, quy trình cách thuốc không cẩn thận rau bị sâu, xấu thì chỉ có bỏ đi chứ bán ai mua, hiện trồng an toàn chỉ những hộ gia đình có nguồn nhập vững chắc, yêu cầu khắt khe về kiểm định ở nơi thu mua thì duy trì. Thương hiệu RAT bây giờ nói không ngoa chỉ vải thưa che mắt thánh.
Người trồng rau ở vùng rau an toàn cũng thẳng thắn cho rằng "Giờ rau an toàn hay không chỉ phụ thuộc vào lương tâm người trồng, chứ thương hiệu rau an toàn đã được khẳng định rồi. Công chăm sóc mất nhiều thời gian, tiền đầu tư nhà kính tốn kém mà giá thành rau chỉ bằng rau không an toàn nên làm sao có thể khuyến khích người nông dân giữ phương pháp đó được".