Hà Nội: Không phân loại rác thải sinh hoạt sẽ bị phạt tiền, người dân nói gì?
Từ ngày 25/8/2022, sẽ phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó, bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt.
Nghị định chính thức có hiệu lực từ 25/8 tới.
Một trong những điểm đáng chú ý tại Nghị định 45 là việc xử phạt với hành vi không phân loại rác.
Theo đó, khoản 1 Điều 26 Nghị định này quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Quy định hiện nay tại Nghị định 155/2016 không có quy định về mức phạt đối với cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt.
Ngoài ra, nghị định 45/2022 cũng quy định cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi không có biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý cho mỗi lần chuyển giao theo quy định.
- Phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng đối với hành vi không phân loại tại nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; thiết bị, dụng cụ lưu chứa chất thải rắn công nghiệp thông thường không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là một tỷ đồng đối với cá nhân và hai tỷ đồng đối với tổ chức. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là hai năm.
Phạt tiền cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt. |
Nghị định ra đời xuất phát từ thực tế quá trình đô thị hóa cùng sự tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số khiến lượng rác thải tại Việt Nam không ngừng tăng cao mỗi ngày. Theo ước tính, trong vòng chưa đầy 15 năm, khối lượng rác thải phát sinh đã tăng gấp đôi.
Một trong những nguyên nhân gây ra sự gia tăng nhanh chóng là khối lượng rác khổng lồ tại các đô thị. Năm thành phố lớn tại Việt Nam, tuy chỉ chiếm 35% dân số cả nước, nhưng lượng chất thải rắn chiếm đến 70% tổng lượng rác thải toàn quốc.
Đáng chú ý, 60-70% lượng rác này là rác hữu cơ - hiện đang là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, tăng chi phí xử lý và góp phần khan hiếm đất đai. Ngoài ra, sự gia tăng của khối lượng rác thải nhựa cũng đóng góp lớn vào tổng khối lượng chất thải phát sinh.
Chỉ tính riêng giai đoạn từ 1990 - 2015, khối lượng nhựa tiêu thụ tính theo đầu người tại Việt Nam đã tăng gần 11 lần. Nhu cầu sử dụng nhựa tăng cao đã kéo theo một lượng lớn rác thải nhựa thải ra môi trường. Theo nghiên cứu được công bố năm 2015, Việt Nam đứng thứ 4 trong số các quốc gia thải ra nhiều rác thải nhựa nhất.
Trong khi đó, lượng rác thải không ngừng tăng cao mỗi ngày nhưng lại không được quản lý hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên, tốn kém chi phí, ô nhiễm không khí và ảnh hưởng sức khỏe, kinh tế, xã hội.
Ở Việt Nam, chi phí thu gom, vận chuyển và chôn lấp một tấn rác là 879.028 đồng. Trong khi đó, mức phí do người dân chi trả chỉ khoảng 218.630 đồng/tấn. Sau khi thu gom, rác thải chủ yếu được xử lý bằng cách chôn lấp (khoảng 63%, quá tải, không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm), đốt (khoảng 14%, gây ô nhiễm không khí) và tái chế một phần nhỏ (10%).
Với sự ra đời của Nghị định 45, trong đó bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện thực trạng đang tồn tại việc chưa phân loại rác tại nguồn từ các hộ gia đình hiện nay.
Hà Nội là một trong những địa phương có mật độ dân số đông, là địa phương triển khai khá sớm hoạt động phân loại rác tại nguồn nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
Trong đó quận Hoàn Kiếm và huyện Đông Anh là những địa bàn triển khai khá sớm hoạt động này. Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, quận là địa bàn đầu tiên của Thành phố triển khai thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.
Tương tự tại huyện Đông Anh, năm 2021, huyện triển khai chương trình “Thu gom, phân loại và xử lý rác tại nguồn”. Theo đó, rác thải sinh hoạt sẽ được phân loại thành 3 loại: rác hữu cơ, rác tái chế và rác còn lại. Sau phân loại, rác hữu cơ được tái sử dụng cho các mục đích như: làm thức ăn cho gia súc, ủ phân bón cho cây trồng... Trong khi đó, rác tái chế được thu gom riêng và bán cho hệ thống đồng nát.
Chương trình luôn có sự tham gia và ủng hộ của người dân địa phương và tham vấn với các bên liên quan (tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, chuyên gia, cán bộ môi trường và đoàn thể địa phương).
Theo bà Nguyễn Thị Yến (70 tuổi, xã Liên Hà, Đông Anh) - một trong những hộ tham gia dự án phân loại rác tại nhà, khi tham gia dự án được hướng dẫn phân loại rác tại nhà, hàng ngày cân rác mới thấy lượng rác gia đình mình thải bỏ nhiều thật.
“Trong 30 ngày kiểm kê, lượng rác hữu cơ của gia đình nhà tôi khoảng 31kg, chiếm 73% tổng lượng rác. Rác còn lại là 10,2kg, chiếm 25,02%. Như vậy, nếu mang rác hữu cơ ủ thành phân bón, lượng rác của gia đình tôi mang đến bãi Nam Sơn sẽ giảm rất nhiều”, bà Yến chia sẻ.
Được biết, tính đến ngày 30/3/2022, trên địa bàn huyện Đông Anh đã có 23 xã, thị trấn tham gia thực hiện chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà. Trong đó có 3 xã đã triển khai 100% các thôn trong xã (Liên Hà, Dục Tú và Việt Hùng), 20 xã và thị trấn còn lại (mỗi xã, thị trấn triển khai đến ít nhất 1 thôn hoặc tổ dân phố làm điểm).
Đến hết tháng 2/2022 có 7.621 người tham gia triển khai mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ. Số hộ tham gia đăng ký tăng 146,81% so với giai đoạn ban đầu (5.191 người).
Báo cáo cuối năm 2021 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh cho thấy trong năm 2021, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh là 227 tấn/ngày; trong khi đó, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong năm 2020 là 239 tấn/ngày. Như vậy, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh năm 2021 thấp hơn so với năm 2020 khoảng hơn 12 tấn/ngày (do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình).
Theo kết quả kiểm kê từ hộ gia đình, việc xử lý rác tại nhà, đặc biệt là rác hữu cơ từ nhà bếp đã giúp giảm khoảng 50 – 70% khối lượng rác của mỗi hộ gia đình trước khi đổ rác. Khi tiến hành kiểm kê rác 9 xã tại huyện Đông Anh (với 309 hộ gia đình) thì lượng rác hữu cơ được phân loại xử lý tại hộ là 59%, rác tái chế thu gom cho ve chai 12%, và rác còn lại để đổ rác là 29%.
Trước những kết quả khả quan khi thực hiện chương trình này, huyện Đông Anh đã đặt mục tiêu trong năm 2022 có 50% hộ dân tham gia phân loại rác tại nhà.
N. Huyền