Hà Nội huy động mọi lực lượng tham gia phòng chống bạo lực trên cơ sở giới
Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Khuất Văn Thành phát biểu tại buổi lễ phát động |
Thủ đô hoàn thành vượt chỉ tiêu về bình đẳng giới
Đây là ý kiến của ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội tại lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017 với chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” diễn ra vào sáng 14/11.
Theo ông Thành, trong những năm qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ của Thủ đô Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, sự vào cuộc có trách nhiệm của các ban, ngành đoàn thể đã góp phần hoàn thành và vượt các chỉ tiêu về bình đẳng giới.
Với tỷ lệ cán bộ nữ tham gia BCH Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 là 12%; cấp quận, huyện 19,6%; cấp xã, phường, thị trấn 24,9%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Thành phố là 30%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021: cấp Thành phố 23,8% đã được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố đạt cao của cả nước. Tỷ lệ phụ nữ có thai được tiếp cận với dịch vụ y tế đạt 98%; 99% phụ nữ có thai được tiêm vắc xin phòng uốn ván. Tỷ lệ lao động nữ được đào tạo chuyện môn kỹ thuật đạt 44,03% trên tổng số người được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Tỷ lệ nữ nông thôn được đào tạo nghề đạt 54,9%.
Bên cạnh đó, công tác đấu tranh, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới được các cấp, các ngành quan tâm; nhận thức của toàn xã hội về đấu tranh, phòng ngừa bạo lực gia đình, bạo lực giới từng bước nâng cao. Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Chương trình hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình được triển khai sâu rộng; việc lồng ghép Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (nay là Luật Trẻ em), cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa, thôn văn hóa với công tác bình đẳng giới và các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình phát huy hiệu quả rõ nét.
Việc triển khai xây dựng các điểm tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, xây dựng địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; xây dựng các mô hình, các câu lạc bộ về phòng chống bạo lực gia đình đạt kết quả bước đầu khá quan trọng. Đến nay, Hà Nội đã xây dựng được 1.630 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, đã hỗ trợ tư vấn cho 601 vụ việc bạo lực gia đình; 118 câu lạc bộ duy trì hoạt động tại cộng đồng hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp phụ nữ và trẻ em, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em.
Vẫn còn nhiều bức xúc cần được giải quyết
Tuy nhiên, theo ông Khuất Văn Thành, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới của Thủ đô thì vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc cần được giải quyết. Một số chỉ tiêu về bình đẳng giới ở một số địa phương vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, như: chỉ tiêu về phụ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị, lãnh đạo quản lý, tham gia cấp ủy và mất cân bằng giới tính khi sinh. Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nữ khu vực nông thôn, vùng bị thu đất sản xuất, lao động nữ di cư và học sinh, sinh viên nữ sau khi tốt nghiệp ra trường gặp nhiều khó khăn.
“Vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình vẫn có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, nhiều vụ bạo lực gia đình vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái. Theo thống kê, trên địa bàn địa bàn Thành phố mỗi năm vẫn có hàng trăm vụ bạo lực, bạo hành đối với phụ nữ, trẻ em gái. Tác động của bạo lực giới, bạo lực gia đình không chỉ giới hạn cấp độ cá nhân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của đất nước”- ông Thành nói.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, đòi hỏi Hà Nội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Tổ chức triển khai các hoạt động thực hiện "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017" với tinh thần thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả nhằm huy động sự tham gia mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân, đặc biệt là nam giới cho mục tiêu bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trước những mối đe dọa của tình trạng bạo lực trên cơ sở giới; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới, về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án ‘‘Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn Thành phố; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra liên ngành về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại một số đơn vị, địa phương trong thời gian diễn ra Tháng hành động, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những người có hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.