Hà Nội: Dự án trọng điểm nào hoàn thành năm 2013?
Trong đó, dự án phát triển hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội giai đoạn 1 gồm 8 dự án gồm xây dựng cầu bộ hành, nút giao thông, các tuyến đường… tổng mức đầu tư gần 3.450 tỷ đồng. Đến nay, đã và đang tổ chức thi công các khối lượng còn lại bằng vốn trong nước, đã hoàn thành lắp dựng 5 cầu bộ hành đã chế tạo kết cấu như Nguyễn Trãi, Thái Hà, Nguyễn Văn Huyên, cầu Xuân Thủy, dự kiến sẽ hoàn thành lắp dựng trong quý 2/2013; Các khối lượng đường, hè, cây xanh, chiếu sáng… cũng đi song song.
Dự án hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Nam Trung Yên đã hoàn thành theo kế hoạch thành phố giao, trong quý 1/2013. Đầu năm 2013, Ban Quản lý dự án trọng điểm còn tổ chức quyết toán 4 dự án đã hoàn thành như Nút Nam cầu Thăng Long, đường trên đê Hữu Hồng, nút giao thông Kim Liên và nút Ngã Tư Sở.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án trọng điểm Hà Nội, Dự án xây dựng đường Trần Phú - Kim Mã dài 450,8 mét, tổng mức đầu tư trên 345 tỷ đồng sẽ hoàn thành trong quý III/2013; Dự án xây dựng vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, dự kiến thông xe toàn tuyến vào dịp 19/5/2014; Dự án xây dựng vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu có tổng mức đầu tư 766 tỷ đồng; Đoạn Ô Chợ Dừa – Voi Phục có tổng mức đầu tư trên 6.000 tỷ đồng đang được triển khai tích cực. Công tác giải phóng mặt bằng đang được đẩy mạnh.
![]() |
Dự án Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu còn mắc giải phóng mặt bằng |
Dự án phát triển hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long – Vân Trì, mục tiêu xây dựng hệ thống đầu mối cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển đô thị - khu công nghiệp Bắc Thăng Long, với diện tích đất 205ha, tổng mức đầu tư 3.776 tỷ đồng. Đến nay, 4 gói thầu xây lắp chính đã đưa vào sử dụng nhà máy cấp nước, nhà máy xử lý nước thải, hệ thống điện, đường giao thông, thoát nước.
Dự án Vành đai 1 Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu hiện đã xây dựng tuyến đường dài 547m, rộng 50m với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, cấp thoát nước, chiếu sáng, cây xanh… Chủ đầu tư dự kiến hoàn thành giải phóng mặt bằng và thông xe kỹ thuật năm 2013.
Dự án đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng chiều dài 2km, rộng từ 53,5 đến 57,5m; Cầu từ sông Lừ mở rộng mỗi bên 10,5m. Hiện chủ đầu tư đã thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng… Tiến độ tiếp tục tập trung giải phóng mặt bằng từ quý 2/2013 và khởi công quý 3/2013, dự kiến hoàn thành năm 2015
UBND TP. Hà Nội yêu cầu đối với đường vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái phải thông xe trong quý II/2014; đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục thông xe trong năm 2016; Đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu và đường Trần Phú - Kim Mã hoàn thành trong năm 2013. Sở Quy hoạch Kiến trúc trong tháng 4/2013 trình UBND TP phương án thiết kế chỉnh trang 2 bên tuyến phố của tuyến Trần Phú - Kim Mã và Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái.
Tuy nhiên theo đánh giá, việc chậm khởi công, chậm tiến độ thi công gây ảnh hưởng rất lớn tới vốn đầu tư do trượt giá. Tổng mức đầu tư bị đội lên, chủ đầu tư phải làm thủ tục điều chỉnh kinh phí làm kéo dài thời gian triển khai, dự án đã chậm lại càng chậm hơn. Việc chậm trễ này không chỉ ảnh hưởng lớn tới đời sống dân sinh mà còn giảm hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả khai thác công trình.
Ngoài ra, những dự án sử dụng vốn vay ODA còn phức tạp hơn bởi liên quan tới các nhà tài trợ quốc tế, liệu họ có chịu cam kết bổ sung vốn?... Vì vậy, trong những giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm, giải phóng mặt bằng là vấn đề đặt ra rất bức thiết, đòi hỏi sự chủ động, tích cực, linh hoạt và quyết liệt hơn nữa của chính quyền các địa phương.
UBND TP yêu cầu, các cấp các ngành huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy tiến độ các dự án. Theo đó, chủ đầu tư các dự án phải là đầu mối chung, chịu trách nhiệm về mọi việc liên quan. Ban Chỉ đạo GPMB TP là đơn vị chịu trách nhiệm về cơ chế, chính sách GPMB, cùng cơ sở giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.