Hà Nội đóng cửa quán cắt tóc, dịch vụ làm đẹp: Có nên gọi thợ đến nhà làm?
Ngành y tế đã khuyến cáo hạn chế tiếp xúc gần, đóng cửa các dịch vụ làm đẹp, cắt tóc thì việc phục vụ tại nhà cũng rất nguy hiểm, nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Hà Nội đóng cửa quán cắt tóc, dịch vụ làm đẹp: Có nên gọi thợ về nhà làm? (Ảnh minh họa) |
Sau một thời gian mở cửa, ngày 13/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ra công điện khẩn yêu cầu dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, các cửa hàng cắt tóc, gội đầu, làm móng tay, móng chân... cũng không được phép hoạt động.
Trước quy định này, nhiều cửa hàng đã chọn cách phục vụ tại nhà thay vì làm cho khách tại cửa hàng. Rất nhiều quảng cáo trên FB của các chủ tiệm làm đẹp, cửa hàng cắt tóc được tung ra như:
“Do dịch Covid-19 các tiệm làm đẹp chưa được mở cửa chính thức nhưng bên em vẫn có dịch vụ làm đẹp tại nhà (home service) cho các chị em muốn đẹp nhưng ngại đi lại nha.
Dịch vụ làm đẹp tại nhà này em đã thử nghiệm nửa năm nay và mọi người đều phản hồi rất tốt. Ngoài ra bên em còn kết hợp với các spa khác chuyên làm cho người nước ngoài, có ai muốn kết hợp thì liên hệ nhé.
Các dịch vụ tại nhà gồm có: phun xăm, nail, mi, chăm sóc da, chà gót …
Còn gì thích hơn là nằm ở nhà vừa đỡ nắng mưa mà vẫn không khác gì ra tiệm nhỉ”.
Dịch vụ làm mi, xăm môi vẫn được nhiều chị em lựa chọn thực hiện tại nhà. |
Không chỉ có dịch vụ làm đẹp hoạt động mà các cửa hàng cắt tóc cũng chuyển sang phục vụ tại nhà. Sáng 16/7, phóng viên gọi điện đến số điện thoại 0966492xxx, giọng nam đầu dây bên kia nhấc máy.
Anh này cho biết, chuyên cắt tóc nam, có nhận cắt tóc tại nhà với mức phí 100.000 đồng/lần. Nếu khách hàng có nhu cầu lấy giáy tai, nhà khách hàng có ghế sopha để nằm thì cũng sẽ được thực hiện với giá 50.000 đồng/lần.
Thợ cắt tóc này cũng cam kết thực hiện “nghiêm” các biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, thợ cắt tóc sẽ xịt cồn trước và sau khi làm cho khách, trong quá trình cắt tóc sẽ đeo khẩu trang.
“Trước đây em có làm cho công ty và được hướng dẫn cách phòng dịch. Ảnh hưởng dịch, công ty nghỉ thì bọn em mới mở ra dịch vụ này”, nam nhân viên này cho hay.
Anh này cho biết thêm, rất đông người có nhu cầu, vì thế anh cũng hay phải chuyển khách cho những đồng nghiệp khác. Trước câu hỏi có sợ mình chẳng may lây bệnh từ khách hàng này rồi làm nhiễm sang cho người khác không, người này khẳng định “đảm bảo an toàn” vì “không nhận khách ở vùng có dịch”.
Chia sẻ với phóng viên Infonet về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, Hà Nội hay các địa phương đã đóng cửa các dịch vụ này nghĩa là nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Bởi vì dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm móng (nail), phun xăm … đều tiếp xúc gần, không thể áp dụng triệt để được biện pháp 5K để phòng dịch. Khi nhân viên đến từng nhà, tiếp xúc với nhiều người lạ, có thể thực hiện trong phòng kín… trong quá trình này rất có thể bị lây bệnh.
Sau đó, nhân viên làm đẹp, cắt tóc lại đến nhà khác thì nguy cơ reo rắc mầm bệnh rất lớn. Trong khi chủng virus lần này lây lan nhanh, Hà Nội lại là “vùng trũng”, các nơi đổ về đặc biệt là những người trở về từ TP HCM, có thể có những ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng từ trước mà mình không biết. Hơn nữa, 80% bệnh nhân Covid-19 mới không có triệu chứng/hoặc triệu chứng nhẹ. Do đó, nguy cơ dịch rất khó lường.
Chuyên gia này một lần nữa nhấn mạnh, trong khi ngành y tế đã khuyến cáo hạn chế tiếp xúc, đóng cửa các dịch vụ làm đẹp, cắt tóc thì việc làm này rất nguy hiểm. Là nguy cơ làm lây lan dịch bệnh từ nhà này sang nhà khác.
“Chúng ta không nên chủ quan, đây là những dịch vụ không thiết yếu, nên người dân có thể trì hoãn không nhất thiết phải thực hiện ngay. Bởi nếu chẳng may nhiễm Covid-19 thì đối diện với rất nhiều rủi do về sức khoẻ cũng như ảnh hưởng tới cả cộng đồng trong công tác phòng chống dịch”, ông Phu nhấn mạnh.
Chung quan điểm này, TS.BS Khổng Minh Tuấn, PGĐ CDC Hà Nội thông tin, Hà Nội dừng các dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm móng… là nhằm hạn chế tập trung đông người.
Hiện thành phố không áp dụng chỉ thị 16 nên việc nhân viên đến tận nhà phục vụ theo ông Tuấn là “không thể cấm”.
Tuy nhiên hình thức này cũng sẽ có nhiều nguy cơ và rủi do vì các hoạt động cắt tóc, phun xăm môi… đều có tiếp xúc gần và không đeo khẩu trang. “Vì vậy người dân không nên sử dụng dịch vụ này trong thời điểm hiện nay”, ông Tuấn khuyến cáo.
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 29/4 đến nay, địa phương này ghi nhận 360 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 187 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 173 ca. Riêng từ ngày 5/7 đến nay, ghi nhận 101 trường hợp mắc.
N. Huyền
Hà Nội chuẩn bị cho phương án có 5000 ca mắc COVID-19 trong khu công nghiệp
UBND thành phố Hà Nội đã lên phương án chuẩn bị cho tình huống có 5000 ca COVID-19 trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, số F1 có thể lên tới 200.000 người.