Hà Nội đã có 260/386 xã cán đích nông thôn mới
Hà Nội đã có 260/386 xã cán đích nông thông mới |
Tăng 30 xã đạt tiêu chí NTM vượt kế hoạch đề ra
Trong 126 xã còn lại có 88 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 38 xã đạt và cơ bản đạt 10-14 tiêu chí. Dự kiến đến hết năm 2017 có 285 xã đạt chuẩn NTM tăng 30 xã so với năm 2016 vượt kế hoạch đề ra.
Theo bà Hoàng Thị Huyền, Phó Chánh văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội mặc dù bộ tiêu chí xã NTM có nhiều tiêu chí cao hơn so với trước, song các xã đã tập trung nguồn lực, tổ chức thực hiện các tiêu chí đạt một số kết quả, như tăng thêm 6 xã đạt tiêu chí giao thông, 13 xã đạt tiêu chí thủy lợi, 5 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, 8 xã đạt tiêu chí về giảm tỷ lệ hộ nghèo…
Công tác cấp GCN quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa đã được các địa phương tập trung thực hiện, tính đến hết tháng 6/2017, toàn TP đã cấp được 611.370/625.257 GCN, đạt 97,8%. Một số địa phương đã hoàn thành 100% như Thường Tín, Phúc Thọ, Thanh Trì, Thạch Thất…
Nguồn lực dành cho chương trình xây dựng NTM tiếp tục được TP quan tâm đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Từ năm 2016 đến nay, TP đã bố trí gần 7,4 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng so với quý I/2017. Cùng với đó, các địa phương huy động gần 1,4 nghìn tỷ vốn xã hội hóa cho chương trình xây dựng NTM. Các quận của Hà Nội cũng thực hiện hỗ trợ các huyện gần 150 tỷ đồng.
Thực hiện mục tiêu “Xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của dân cư nông thôn”, công tác phát triển hạ tầng kinh tế xã hội cho khu vực nông thôn đã được triển khai thực hiện. Trong đó chú trọng việc triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội, về hạ tầng giao thông đến nay đã có 351 xã đạt và cơ bản đạt, tăng 6 xã so với quý I/2017; về thủy lợi, Hà Nội hiện có 358 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí, tăng 13 xã so với quý I/2017; còn 28 xã chưa đạt; về điện, hiện đã có 383 xã đạt và cơ bản đạt và chỉ còn 3 xã chưa đạt; 313 trường học tại các xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí, giảm 6 xã so với quý I/2017; còn 73 xã chưa đạt (do huyện Chương Mỹ thẩm định lại tiêu chí này); về cơ sở vật chất văn hóa tại khu vực nông thôn, Hà Nội có 356 xã đạt và cơ bản đạt, tăng 5 xã so với quý I/2017; còn 30 xã chưa đạt.
Hà Nội hiện có 352 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, tăng 2 xã so với quý I/2017; còn 34 xã chưa đạt. Về thông tin và truyền thông, tiếp tục duy trì 386 xã đạt và cơ bản đạt. Nhà ở dân cư có 385 xã đạt và cơ bản đạt; chỉ còn 1 xã chưa đạt là xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ.
205 HTX được hỗ trợ kinh phí phục vụ sản xuất
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết thêm, hiện, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch là 40%. Hiện nay, TP đang xây dựng nhà máy nước mặt sông Đuống, sông Hồng, cùng với đó tiếp tục giao cho các doanh nghiệp để hoàn thiện, đưa vào hoạt động một số trạm cấp nước cục bộ tại một số xã, phấn đấu hết năm 2017 có 50% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, và đến 2020 tỷ lệ này cơ bản đạt 100%.
Đặc biệt, trong chương trình xây dựng NTM, cùng với việc phát triển hạ tầng, trong năm nay, Hà Nội cũng tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân tại khu vực nông thôn.
Trong 9 tháng đầu năm nay, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển nông nghiệp theo vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai tích cực tại Hà Nội. Đến nay, đã có 56 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó các địa phương có nhiều mô hình như: Đông Anh có 10 mô hình; Sóc Sơn có 8 mô hình; Thanh Oai có 7 mô hình; Thanh Trì có 6 mô hình; Quốc Oai có 5 mô hình; Đan Phượng có 3 mô hình; các huyện Ba Vì, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất có 2 mô hình,...
Thực hiện Thông tư số 171/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, đến nay có 8 HTX trên địa bàn thành phố đã được hỗ trợ kinh phí thuê gian hàng tham gia hội trợ triển lãm giới thiệu sản phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương chủ trì tổ chức với tổng kinh phí được hỗ trợ là 84 triệu đồng; 5 HTX công bố nhãn hiệu tập thể sản phẩm cam, nhãn,... được hỗ trợ 500 triệu đồng.
Thực hiện hỗ trợ các HTX theo các chương trình ứng dụng đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, khuyến nông (hỗ trợ đưa giống mới, công nghệ sinh học, bảo quản và chế biến nông sản, ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất rau an toàn, hoa, cây cảnh, xây dựng nhà lưới, kho lạnh), đến nay có 205 HTX được hỗ trợ với tổng kinh phí là 12,9 tỷ đồng để đầu tư mua máy làm đất, máy thu hoạch, máy cấy, máy phun thuốc trừ sâu, làm mô hình nhà lưới,..../.