Hà Nội: Còn nhiều hạn chế trong quản lý an toàn thực phẩm tại chợ
Nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân
Toàn thành phố Hà Nội hiện có 453 chợ truyền thống, phục vụ 60% nhu cầu tiêu dùng, mua sắm thực phẩm của người dân trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, thực trạng kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm không bảo đảm an toàn tại các chợ vẫn đang diễn biến phức tạp; việc quản lý, kiểm soát chất lượng thực phẩm lưu thông tại chợ còn nhiều hạn chế, gây bức xúc cho người dân.
Tại một hội thảo về an toàn thực phẩm diễn ra mới đây, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận, việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại hệ thống chợ vẫn chưa được như mong muốn. Trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều bất cập như: Nhận thức của nhiều hộ tiểu thương còn yếu, chưa chấp hành đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm chưa được làm thường xuyên; người tiêu dùng vẫn có tâm lý "tiện đâu mua đấy", mua hàng ở chợ cóc chợ tạm mà không để ý đến nguồn gốc sản phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Hằng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Sở Y tế Hà Nội cung cấp thêm thông tin: Khảo sát mới đây tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) cho thấy, cả hai chợ đều đã đầu tư xây dựng lâu năm, cơ sở vật chất không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị. Ý thức chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh, người tiêu dùng tại chợ còn nhiều hạn chế. 30% các hộ kinh doanh không có hợp đồng mua bán, nguồn gốc các sản phẩm đang kinh doanh.
Cần nhân rộng mô hình chợ an toàn
Thời gian qua, Sở Công Thương đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ. Việc khảo sát toàn bộ hệ thống, mạng lưới chợ, để đánh giá về hạ tầng thương mại đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đã được hoàn thành. Công tác thông tin tuyên truyền cũng được đẩy mạnh. Sở đã chủ trì và phối hợp tổ chức 268 lớp tập huấn với trên 11.000 lượt người tham dự; 96 hội nghị, hội thảo; hướng dẫn hơn 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh tại chợ đáp ứng các điều kiện về an toàn thực phẩm và được cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn…
Cùng với việc phân cấp toàn diện công tác quản lý chợ cho các quận, huyện, thị xã, Sở Công Thương đang tích cực hướng dẫn một số chợ lắp đặt nhà xét nghiệm nhanh tại chợ để người tiêu dùng khi mua sắm có thể kiểm định nhanh chất lượng hàng hóa.
Mục tiêu phấn đấu là đến hết tháng 12/2025, 100% cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ trên địa bàn thành phố đáp ứng yêu cầu tại Đề án "Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025" và được cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn; góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Góp ý giải pháp tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Sở Y tế kiến nghị, các đơn vị quản lý chợ cần tập huấn, tuyên truyền cơ chế chính sách về phát triển, quản lý chợ; rà soát lại hệ thống chợ trên cơ sở tổng hợp danh mục cần đầu tư cải tạo chợ hàng năm để đề xuất đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quy định, từ đó có cơ sở xây dựng tiêu chí chợ đầu mối an toàn thực phẩm kết hợp với phòng chống bệnh…
Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội kiến nghị: Thành phố và các ngành chức năng cần có bộ tiêu chí cụ thể, rõ ràng cho chợ văn minh, an toàn, làm sao để việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm luôn ăn sâu trong tiềm thức của mỗi tiểu thương. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội cần tiếp tục tổ chức giám sát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ.
Về phía Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, thời gian tới sẽ tăng cường hoạt động tuyên truyền cán bộ hội viên phụ nữ về an toàn thực phẩm; biểu dương kịp thời các cá nhân, hộ kinh doanh làm tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm…
Anh Duy