Hà Nam: Đẩy mạnh hợp tác, kết nối tiêu thụ nông sản
Việc sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đã và đang được các sở, ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm thực hiện nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Đến nay, nhiều sản phẩm có thế mạnh của tỉnh đã được quảng bá rộng rãi, từng bước thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hà Nam đã và đang đẩy mạnh sản xuất tập trung và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Ảnh: Thúy Hằng |
Mở rộng mạng lưới tiêu thụ
Từ ngày 10 – 14/11, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nam tổ chức “Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm nông sản, đặc sản an toàn và các sản phẩm OCOP tỉnh Hà Nam năm 2021” tại Siêu thị Topsmarket, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Tại đây được bố trí 20 gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản của 40 cơ sở sản xuất trong tỉnh. Đây đều là những sản phẩm được chứng nhận an toàn và được công nhận OCOP của tỉnh từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, đến chế biến nông sản. Hoạt động này nằm trong chuỗi các hoạt động tăng cường xúc tiến thương mại, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19 và đẩy mạnh kích cầu dịp cuối năm 2021.
Bà Trịnh Thị Hải (trú tại Phường thanh Trì, Quận Hoàng Mai - Hà Nội) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên bà được tiếp cận với rất nhiều các sản phẩm nông nghiệp an toàn của tỉnh Hà Nam. Cảm nhận rất tin tưởng khi các mặt hàng được đóng gói cẩn thận, hình thức đẹp, có tem nhãn truy xuất được nguồn gốc rõ ràng.
Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm nông sản, đặc sản an toàn và các sản phẩm OCOP tỉnh Hà Nam năm 2021 thu được những kết quả tích cực. Trong đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh và chế biến nông sản của tỉnh đã kết nối thương mại, trao đổi giao thương được với nhiều đối tác lớn như: Siêu thị BigC, siêu thị Bigreen, Công ty TNHH rau quả Việt và một số chuỗi cửa hàng, người tiêu dùng tại Hà Nội. Đồng thời, có 80% lượng hàng hóa chuẩn bị cho tuần lễ của các cơ sở được tiêu thụ, giá bán cao hơn 10 – 20% so với bán tại thị trường Hà Nam. Những sản phẩm được quan tâm và tiêu thụ mạnh, như: cá kho Nhân Hậu, chuối ngự Đại Hoàng, nho hạ đen, ổi lê, rau xanh, trứng gà thảo dược… Hoạt động thương mại tại đây cho thấy các sản phẩm được đầu tư về bao bì, mẫu mã đẹp, có giấy chứng nhận an toàn, tem truy xuất nguồn gốc được khách hàng tin tưởng.
Có một số sản phẩm lần đầu được quảng bá theo kênh chính thức trên thị trường Hà Nội, được nhiều người tiêu dùng biết đến như: Bánh đa Kiện Khê Huy Duy, ổi lê Thanh Hương (Thanh Liêm)… Một số sản phẩm nho, bưởi, thanh long được trồng theo tiêu chuẩn VietGap của HTX nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du (Đồng Du – Bình Lục) tham gia giới thiệu sản phẩm tại “Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm nông sản, đặc sản an toàn và các sản phẩm OCOP tỉnh Hà Nam năm 2021” tại Hà Nội. Đây là lần đầu các sản phẩm của HTX chính thức được ra mắt tại thị trường có sức tiêu thụ lớn. Nhất là sản phẩm nho mẫu đơn được trồng thành công trên đất Hà Nam đã gây được sự chú ý và để lại ấn tượng tốt với khách hàng Thủ đô đến tham quan và mua hàng. Sản phẩm cho thấy chất lượng không thua kém bất kỳ vùng trồng nho nào trong nước mà giá bán lại hợp lý... Theo ông Nguyễn Việt Hồng, Phó giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du: Việc tham gia lần này đã tạo ra cơ hội mở rộng thị trường cho sản phẩm của HTX. Nhất là sang những năm tiếp theo khi các loại cây ăn quả của HTX đều đủ tuổi và cho sản lượng lớn.
Thúc đẩy sản xuất, lưu thông nông sản an toàn
Giai đoạn 2021-2025,, ngành nông nghiệp Hà Nam chủ trương tiếp tục phát triển trồng trọt theo quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, miền. Phát triển các vùng chuyên canh rau, củ, quả chủ lực gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm (dưa chuột, bầu bí, rau ăn lá). Phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất rau đạt khoảng 9.800 ha, sản lượng 171.000 tấn. Xây dựng thương hiệu cho một số vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực của tỉnh, bao gồm các loại sản phẩm: chuối, vải, nhãn, bưởi và ổi. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả tăng lên khoảng 6.300 ha, sản lượng ước đạt 75.000 tấn.
Đẩy mạnh sản xuất tập trung và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tích cực tham gia các cuộc hội thảo, triển lãm, hội chợ do các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố và địa phương tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu các loại sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh; kết nối cơ sở, phối hợp cung ứng chuỗi sản phẩm an toàn giữa Hà Nam với các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là Thành phố Hà Nội. Phát triển hình thức tiêu thụ nông sản thông qua các kênh giao dịch trực tuyến và sàn thương mại điện tử.
Ngày 15/11/2021, UBND tỉnh Hà Nam ban hành Kế hoạch số 3145/KH-UBND về thực hiện Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ chủ yếu như: Đẩy mạnh công tác truyền thông về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án và các chính sách về phát triển nông nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản và tạo sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện. Tăng cường quản lý quy trình sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm nông sản, đảm bảo nông sản được tiêu thụ trong chuỗi giá trị đáp ứng đủ tiêu chuẩn không chỉ trong nước mà theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu trong ngắn hạn và dài hạn. Chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản từng bước mở rộng thị trường….
Thúy Hằng