GV đánh học trò bị xử phạt: “Mời Bộ trưởng hãy dạy học sinh lớp 1 một ngày”
Dự thảo nghị định mới sẽ tạo rào cản không nhỏ cho giáo viên |
Bộ GDĐT vừa ban hành dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến đến hết ngày 25/11. Trong thời gian này, nếu đại đa số các ý kiến đồng tình với nội dung, dự thảo sẽ được đưa vào áp dụng chính thức.
Dự thảo nhấn mạnh về việc mức độ xử phạt đối với những hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và thân thể của giáo viên và học sinh. Nhiều giáo viên tiểu học đã đưa ra những nhận định về các điểm còn chưa hợp lý của dự thảo.
Thầy Vũ Hoàng Sơn (giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, nghề dạy học là một nghề đặc thù, giáo viên phải chấp hành các quy định của ngành, trong đó không được xúc phạm học sinh là một quy định mà giáo viên phải chấp hành nghiêm túc. Điều này đã được quy định trong Nghị định 138. Tuy nhiên, ở mức độ nào đó, giáo viên vẫn có thể trách mắng các em nếu bản thân học sinh đó đã nhiều lần vi phạm, giáo viên đã nhiều lần trao đổi với phụ huynh nhưng vẫn không sửa chữa được khuyết điểm.
Thầy Sơn chia sẻ: “Không phải ngẫu nhiên có câu "nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò". Lứa tuổi đi học là lứa tuổi cần sự dạy bảo, uốn nắn từ cha mẹ, thầy cô. Tùy theo từng cấp học, trẻ sẽ có những suy nghĩ, hành động khác nhau đòi hỏi người thầy phải hướng dẫn, nhắc nhở học sinh. Nhưng nếu Nghị định mới này được áp dụng, nó sẽ trở thành một “rào cản” đối với giáo viên trong suốt quá trình dạy học. Khi học sinh sai phạm, giáo viên sẽ không dám la rầy, trách mắng các em do không lượng được mức độ như thế nào sẽ bị phạt và phạt với số tiền bao nhiêu”.
Thầy Sơn nói vui: “Mời Bộ trưởng Bộ GDĐT và ban soạn thảo nghị định vào lớp dạy học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1 một ngày thôi, các thầy sẽ thấy thực tế như thế nào, có phải la mắng các em hay không”.
Theo thầy Sơn, nếu áp dụng Nghị định này, buộc lòng giáo viên sẽ phải chọn giải pháp và hành lang an toàn cho chính bản thân mình. Giáo viên sẽ chịu sức ép về mặt tâm lý khi thấy học sinh sai mà không dám la rầy; học sinh ngỗ ngược, xúc phạm thầy cô thì họ không dám phản ứng. Điều này vô tình sẽ tạo nên một khoảng chắn, bức tường giữa thầy và trò.
Bên cạnh đó, dù Nghị định mới có điều khoản xử phạt người xúc phạm giáo viên nhưng rõ ràng mức xử phạt đó nhẹ hơn rất nhiều so với mức phạt người thầy và không đủ sức răn đe.
Cô Hoàng Hà (giáo viên tiểu học quận Bình Tân, TP.HCM) bức xúc: “Có riêng một nghị định xử phạt vi phạm hành chính cho giáo viên là không công bằng. Bởi cùng một động cơ, hành vi “xâm phạm thân thể trẻ em” thì cớ gì giáo viên thì bị phạt tiền mà người khác thì không? Đúng là thầy cô ngày nay như làm dâu trăm họ, yêu nghề cũng không yên tâm với nghề”.
Theo các giáo viên, với những học sinh quá cá tính và khó bảo, ngang ngược, nếu không được rèn dũa thì rất khó vào nề nếp. Nếu học sinh không ngoan, gia đình lại đổ lỗi cho giáo viên, còn nếu giáo viên lỡ quát mắng, học trò về phản ánh với phụ huynh, phụ huynh cũng không nghe giải thích mà cứ theo quy định đòi phạt thì giáo viên không ai dám dạy hết mình.