GS Nguyễn Văn Tuấn: Đánh giá chất lượng bác sĩ của trường KD&CN bây giờ quá sớm
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales (Australia) |
Xung quanh việc trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo Y khoa và Dược chính quy gây nhiều tranh cãi trong dư luận, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales (Australia), đã trao đổi với phóng viên Báo điện tử Infonet về quan điểm của mình.
Infonet: Thưa ông, 1 tuần nay, dư luận trong nước, đặc biệt là giới y khoa "choáng váng" với thông tin Bộ GD và ĐT cho phép trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo Y đa khoa và Dược khoa chính quy. Nhiều y bác sĩ và các nhà chuyên môn tỏ ra lo ngại vì ngành y vốn là ngành đặc biệt, sinh viên đầu vào ở các trường đại học Y đều cao, ví dụ như trường ĐH Y Hà Nội có năm lấy điểm chuẩn lên đến 28 điểm cho ngành bác sĩ Đa khoa. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Khách quan mà nói, ngành chuyên môn nào cũng đặc thù, vì ngành nào cũng có một văn hoá bộ lạc. Luật khoa có văn hoá đặc thù của trường luật. Khoa học tự nhiên có văn hoá riêng của họ. Ngành y cũng thế, cũng có những "văn hoá bộ lạc" riêng.
Do đó, tôi nghĩ không nên viện dẫn ngành y là "đặc thù" để tự đánh giá ngành mình quá cao. Trong thực tế ngành y, kể cả tuyển sinh và đào tạo y khoa, đã có nhiều thay đổi trong 50 năm qua. Vai trò của người bác sĩ và mối liên hệ với bệnh nhân cũng thay đổi nhiều, không còn như trước đây nữa.
Ngành y ở bất cứ nước nào cũng muốn tuyển chọn những học sinh xuất sắc nhất trong nhóm xuất sắc. Nhưng đừng nghĩ rằng điểm vào càng cao là hứa hẹn một bác sĩ tương lai tài ba, vì đó là một cách hiểu rất sai lầm.
Nghiên cứu ở Úc, Anh, và Mĩ chỉ ra rằng điểm thi tuyển vào trường y có mức độ tương quan rất thấp với điểm tốt nghiệp trường y. Thấp như thế nào? Nếu lấy thang đo từ 0 đến 1, thì mối tương quan giữa điểm thi tuyển và điểm tốt nghiệp bác sĩ chỉ khoảng 0.10 đến 0.15! Điều đó không ngạc nhiên, bởi vì qui trình đào tạo, kinh nghiệm của thầy cô, và tiến trình học tập sau khi vào trường y quyết định phẩm chất đầu ra, hơn là điểm thi tuyển.
Do đó, tôi từng nói rằng cách tuyển sinh ngành y ở Việt Nam cần phải cải cách. Không nên chỉ dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học hay điểm thi tuyển, mà cần phải có các kiểm tra khác về nhân cách và các khía cạnh ngoài học thuật.
Ở nước ngoài, như Úc chẳng hạn, tất cả các thí sinh y khoa ngoài kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, còn phải dự một kì thi gọi là GAMSAT được thiết kế đặc biệt cho các thí sinh muốn theo học ngành y, nha khoa, dược khoa, vật lí trị liệu, và thú y.
Kì thi GAMSAT kiểm tra thí sinh về nhân cách, đạo đức xã hội, khả năng nói và viết, và động cơ theo học ngành y. Ngoài ra, chúng tôi còn phỏng vấn trực tiếp các thí sinh, và cuộc phỏng vấn phải được chuẩn hoá một cách khoa học. Thí sinh muốn theo học ngành y phải vượt qua những vòng test như thế để đảm bảo phẩm chất đầu vào.
Infonet: Một số bài báo ở nước ngoài khẳng định việc học y và đào tạo y rất khó, sinh viên mất cả chục năm trên ghế nhà trường và bệnh viện, ra trường họ phải học "không biết mệt mỏi" và được đào tạo bởi những thầy giáo ưu tú. Theo GS, ở nước ngoài, ví dụ như nước Úc, nơi ông đang sinh sống, họ quy định đào tạo y khoa như nào?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Ở Úc chương trình đào tạo bác sĩ cấp đại học thường theo hai mô hình chính. Mô hình thứ nhất có thể tạm gọi là “mô hình cử nhân”. Theo đó, các học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xuất sắc được tuyển chọn qua kì thi tuyển có tên là UMAT (Undergraduate Medicine and Health Sciences Admission Test) và phỏng vấn cá nhân.
Sinh viên được tuyển thường theo học 5-6 năm (tuỳ trường) và tốt nghiệp với bằng cử nhân y khoa và cử nhân phẫu thuật (MBBS).
Nhưng bắt đầu từ 2011, một số trường y của Úc đã theo xu hướng chung trên thế giới và thay đổi tên văn bằng MBBS thành M.D (tức Doctor of Medicine).
Sau khi tốt nghiệp M.D. (hay MBBS) các bác sĩ còn phải qua hai giai đoạn huấn luyện trước khi hành nghề độc lập. Tất cả các sinh viên tốt nghiệp y khoa phải qua ít nhất một năm làm việc dưới sự hướng dẫn và giám thị của của một bác sĩ có thâm niên cao. Giai đoạn này được gọi là internship (thực tập), và thường xoay quanh các khoa cấp cứu, y khoa tổng quát, và ngoại khoa. Sau khi hoàn tất chương trình internship, trên lí thuyết, bác sĩ có thể đăng kí với Hội đồng Y khoa (Medical Board) của bang, và có thể hành nghề độc lập.
Nhưng trong thực tế thì hầu hết bác sĩ sau giai đoạn internship phải qua một giai đoạn huấn luyện nội trú (gọi là resident) thường kéo dài 2 năm (nhưng cũng có khi 3 năm) trước khi trở thành độc lập. Do đó, tính từ lúc đào tạo cấp cử nhân đến lúc hành nghề độc lập như là một bác sĩ đa khoa, một cá nhân phải qua gần 9 năm học và huấn luyện. Để trở thành bác sĩ chuyên khoa, thời gian học và huấn luyện có thể dao động từ 12 đến 15 năm.
Tôi nghĩ còn quá sớm để đánh giá phẩm chất đào tạo y khoa của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, vì đơn giản là Trường chưa tuyển sinh. Tôi muốn nhìn sự việc một cách tích cực hơn. Tôi từng ghé qua nhiều đại học ở Việt Nam và cảm thấy có một làn sóng mới muốn cải cách giáo dục đại học theo chiều hướng tốt hơn và tích cực hơn. Những trường mới này họ có thể không ồn ào, "đao to búa lớn" nhưng muốn chứng tỏ bằng việc làm thực tế. Do đó, chúng ta thấy gần đây xuất hiện một số đại học tuy còn "trẻ", nhưng đã có những thành tích khoa học vượt bậc và những cải cách thực tế rất phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Tôi muốn hi vọng là trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trong những nhân tố tích cực trong cuộc cải cách giáo dục đó.
Vâng xin cảm ơn Giáo sư!