Gợi ý viết thư UPU lần 47: Hãy bảo vệ môi trường đất
Dưới đây là gợi ý bài mẫu viết thư UPU lần thứ 47 năm 2018, người viết đã đặt mình là là một lá thư du hành xuyên thời gian và gửi gắm đôi điều đến người đọc.
Vũ trụ, năm 3000!
Chào những người bạn của tôi ở thế kỷ 21!
Tôi xin tự giới thiệu, tôi là Tanto, đến từ vũ trụ 3000 năm sau. Chắc có lẽ bạn không tin, nhưng tôi đã đến đây bằng cỗ máy thời gian đó. Tự nhận thấy mình phải có trách nhiệm với Trái Đất nên tôi đã mạo hiểm vượt thời gian du hành đến đây để cảnh báo với các bạn rằng: Hãy hành động và chung tay vì một thế giới tươi đẹp!
Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá khi nó là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu đất đai dân cư xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng.
Chính vì thế, đất đai đóng vai trò quyết định cho sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay cùng với ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí thì ô nhiễm đất đai đang trở thành tình trạng đáng báo động ở rất nhiều quốc gia.
Nhất là khi ô nhiễm đất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Chính vì vậy, việc phòng chống ô nhiễm đất có một ý nghĩa hết sức quan trọng.
Ô nhiễm đất đang hủy diệt con người |
Có thể nói, ô nhiễm môi trường đất được xem là tất cả các hiện tượng làm nhiễm bẩn môi trường đất bởi các chất gây ô nhiễm. Ô nhiễm đất hiện nay chủ yếu do các chất thải sinh hoạt thải trực tiếp ra môi trường mà không thông qua bất cứ biện pháp xử lý nào gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đất.
Ngoài ra, ô nhiễm đất còn do các chất thải công nghiệp và các hoạt động nông nghiệp như dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật một cách thái quá, sau khi thấm vào trong đất, chất ô nhiễm sẽ ở lại và lưu tồn trong đất.
Có lẽ, mỗi chúng ta ai cũng biết, đất bị ô nhiễm sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người thông qua tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc qua đường hô hấp do sự bốc hơi của chất gây ô nhiễm trong đất. Đó là chưa kể, đất bị ô nhiễm sẽ xâm nhập vào tầng nước ngầm, con người sử dụng nước khác gì sử dụng những chất độc hại trong đất.
Ô nhiễm kim loại nặng trong đất ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Hiện nay, rất nhiều vùng đất bị nhiễm chất asen, nó chính là chất gây ung thư da, ung thư bàng quang, ung thư phổi; chì gây tác hại đến hệ thần kinh (đặc biệt là trẻ em), gây chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển thể chất.
Đặc biệt, tại một số nước, mức độ ô nhiễm đất đã đến mức báo động. Các bãi tro xỉ thô của các nhà máy nhiệt điện hay các bãi thải sau khai thác của khu vực khai thác khoáng sản tại các quốc gia có thế mạnh về khoáng sản chứa một loạt kim loại nặng có hại như asen, chì, kẽm, nikel, đồng, mangan, cadmi, crom và selen. Đây là những nguồn gây ô nhiễm đất và là nguyên nhân của một loạt các bệnh có liên quan.
Tôi được biết, ở đất nước Việt Nam, theo báo cáo của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế đã kết luận về mức độ nguy hiểm cho sức khỏe người dân tại các làng nghề chuyên nghề tái chế chì khiến đất bị ô nhiễm nặng.
Nhất là ở những địa phương từ những năm 70 của thế kỷ trước làm nghề thu mua ắc quy cũ hỏng về tháo dỡ để lấy chì. Họ đun nấu bằng dụng cụ thô sơ, bình ắc quy thải bỏ ngay trong khuôn viên gia đình. Khói từ những lò đun nấu phát tán ra môi trường, ảnh hưởng đến không khí, đất, nước và sức khỏe con người.
Vừa qua, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã xét nghiệm mẫu đất, nước, không khí, thực phẩm nuôi trồng trên những làng nghề này và kết quả cho thấy nơi đây bị nhiễm độc chì rất nặng.
Nước bề mặt tại các con kênh, rạch quanh làng có nồng độ chì cao gấp hàng nghìn lần so với tiêu chuẩn. Tới mức, ngay cả các loại rau rất quen thuộc trong bữa cơm Việt là rau muống cũng nhiễm chì cao hơn tiêu chuẩn 1,3 lần. Có những thôn có 335 trẻ thì 317 em được lấy mẫu xét nghiệm chì thì kết quả cho thấy 207 cháu (65%) bị nhiễm độc chì, cần phải điều trị thải độc...
Chính điều đó đã lí giải sự xuất hiện của hàng loạt các làng ung thư cướp đi hàng trăm sinh mạng. Chính ô nhiễm gây ra các bệnh nguy hiểm đã khiến bao số phận lâm vào đường cùng, cảnh lá già khóc thương lá xanh lìa cành khiến bao người không cầm được nước mất. Hình ảnh cả nhà đều chịu chung số phận mang tên “ung thư” đã trở nên chẳng hiếm hoi gì ở những làng nhiễm chì trên đất nước chúng tôi.
Con người, chính con người vì những mục đích trước mắt mà hủy hoại môi trường. Có lẽ, chính bản thân họ cũng không thể tưởng tượng tác hại của nó lại ghê gớm tới thế.
Tôi rất mong mỗi chúng ta sẽ có những hành động quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường đất vì một thế giới trong sạch và đầy tươi đẹp hơn.
Thân ái chào tạm biệt!