Giới trẻ Mỹ chia tay smartphone, quay về với điện thoại ‘cục gạch’
Các công ty như HMD Global, chủ sở hữu thương hiệu điện thoại Nokia vẫn đang bán ra hàng triệu chiếc điện thoại di động tương tự như thiết bị của đầu những năm 2000. Đó là những chiếc điện thoại phổ thông nắp gập hoặc trượt truyền thống, được bổ sung thêm tính năng GPS hay hotspot (phát sóng dữ liệu).
“Chúng ta có thể thấy điều đang xảy ra với một bộ phận Gen Z (giới trẻ) tại Mỹ. Họ đã cảm thấy mệt mỏi khi suốt ngày nhìn vào màn hình smartphone”, Jose Briones, người dùng điện thoại phổ thông và là quản trị (mod) tiểu mục “điện thoại cục gạch” trên diễn đàn reddit (r/dumbphones), cho hay. “Họ muốn cắt giảm thời gian sử dụng smartphone, khi không biết được những thiết bị này đang tác động thế nào tới sức khoẻ tâm thần của mình”.
Tại Mỹ, doanh số bán điện thoại nắp gập của HMD Global đã tăng lên trong năm 2022, đạt hàng chục ngàn chiếc bán ra mỗi tháng. Trong khi đó, doanh số điện thoại phổ thông toàn cầu của hãng lại đang sụt giảm.
Theo Counterpoint Research, gần 80% doanh số điện thoại phổ thông của năm 2022 đến từ khu vực Trung Đông, châu Phi và Ấn Độ. Tuy nhiên, con số này có thể đang thay đổi khi giới trẻ tại Mỹ quay về với những thiết bị đơn giản hay tối giản hơn.
Giới quan sát cho biết thị trường điện thoại phổ thông tại Bắc Mỹ hầu như không có sự thay đổi và dự báo mảng kinh doanh này có thể tăng 5% trong 5 năm tới, “dựa trên những lo ngại về sức khoẻ y tế cộng đồng hiện nay”.
Một số công ty, chẳng hạn như Punkt và Light, đã bắt kịp theo xu hướng, bán ra những thiết bị hướng đến những người muốn dành ít thời gian hơn cho smartphone và mạng xã hội.
“Những gì chúng tôi đang làm với sản phẩm của mình không phải là tạo ra một chiếc điện thoại ‘cục gạch’, mà là một thiết bị cao cấp, đơn giản và không đi ngược lại xu hướng công nghệ”, Joe Hollier, đồng sáng lập Light nói. “Đó là sự lựa chọn có ý thức về thời điểm sử dụng một khía cạnh nào đó của công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Thế Vinh
Theo Reuters