“Giật mình” với tỉ lệ học sinh THPT lo âu, trầm cảm, stress
Báo động tình trạng học sinh THPT lo âu, trầm cảm, stress. Ảnh minh họa |
Nhóm tác giả Thái Thanh Trúc, Vũ Thị Ly Ly Ngọc cho hay, nghiên cứu của nhóm được thực hiện trong năm 2018 tại 3 trường trên địa bàn TPHCM gồm: Nguyễn Khuyến; Nam Kỳ Khởi Nghĩa; Nguyễn Thái Bình với 1.114 học sinh tham gia ở quy mô 27 lớp gồm cả 3 khối, trên cơ sở đánh giá cả 3 khía cạnh trầm cảm, lo âu, stress.
Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ stress ở học sinh chiếm hơn 35,1%; lo âu là 59% và trầm cảm là 38,7%. Trong đó, nhiều trẻ đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về mặt sức khỏe tâm thần, không ít trường hợp mắc cả 3 vấn đề nêu trên.
Học sinh khối lớp 12 bị stress nhiều hơn 1,29 lần so với khối lớp 10. Học sinh gia đình kinh tế mức nghèo bị stress cao hơn 1,5 lần học sinh nhà khá giả…
Một kết quả nghiên cứu khác được nhóm thực hiện tại khu vực Tây Nguyên về vấn đề học sinh có ý nghĩ tự tử còn chỉ ra xu hướng nguy hiểm hơn khi có tới 27,9% muốn tìm đến cái chết.
Nhóm học sinh ở Tây Nguyên không chỉ đối mặt với áp lực học tập mà còn đối mặt với những vấn đề gia đình, xã hội, bị lạm dụng cả về sức lao động lẫn thể xác.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có đến 10% - 20% trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi các vấn đề sức khỏe tâm thần, 1/3 gánh nặng bệnh tật ở thanh thiếu niên do các rối loạn tâm thần gây ra.
Các vấn đề sức khỏe tâm thần nếu không được can thiệp, phòng ngừa sớm sẽ để lại hậu quả nặng nề cho chính cá nhân các em, gia đình và xã hội.
Từ thực tế trên, các bác sĩ đề nghị cần có các hoạt động khám sàng lọc, tổ chức tư vấn tâm lý học sinh. Gia đình học sinh cần tìm hiểu các rối loạn tâm thần phổ biến như nguyên nhân, biểu hiện, cách phòng tránh những vấn đề stress, lo âu, trầm cảm để giúp làm giảm các vấn đề về rối loạn tâm thần trong trường học.
Việc phát hiện, can thiệp sớm sẽ giúp học sinh vượt qua được các giai đoạn khó khăn và phòng tránh những hậu quả nghiêm trọng trong đó có tự tử.