Giáo viên phản ứng trước chỉ đạo “chấm dứt ngay dạy thêm” của Bí thư Thăng
Học sinh tan lớp học thêm khi trời đã tối |
Trong buổi làm việc với Bộ GDĐT, Sở GDĐT TP.HCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh: Giáo viên phụ đạo học sinh kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thì được nhưng phải chấm dứt ngay việc dạy thêm, học thêm tại trường học trong năm nay với những nhận xét “quốc tế có dạy thêm, học thêm đâu mà học sinh vẫn giỏi”, “Trước đây thầy cô có lấy tiền bồi dưỡng đâu mà vẫn làm được, bây giờ tại sao không?”
Trước phát biểu này của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, đã có những phản ứng trái chiều.
Cô L.N (giáo viên Trường THPT Lê Thánh Tôn) cho biết: "Chỉ đạo của Bí thư Thành ủy chỉ đúng một phần. Dạy thêm, học thêm là không cần thiết và gây áp lực cho học sinh cấp tiểu học, THCS. Thế nhưng đối với học sinh THPT, học thêm là cần thiết, bởi giai đoạn này, các em phải đối mặt với các kỳ thi lớn, có tính chất trọng đại cho cả cuộc đời".
Theo cô L.N, việc cấm dạy thêm, học thêm áp đặt cho giáo viên sẽ không có tác dụng bởi không thể cấm được nếu như xã hội vẫn có nhu cầu. Giáo viên không được dạy trong trường nhưng họ dạy tại nhà hoặc đến nhà học sinh để dạy, không ai có thể quản lý được hết.
Nhiều giáo viên cho biết, việc phụ đạo cho học sinh yếu kém là công việc thường xuyên của các trường và giáo viên dạy phụ đạo như vậy hầu như không tính đến chuyện dạy vì tiền vì mức phí phụ đạo này quá thấp. Còn việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu của học sinh.
Một giáo viên Trường THPT Hoàng Hoa Thám nhận định: “Không giáo viên nào bắt các em phải đi học thêm, nhưng đó là nhu cầu của các em. Phụ huynh muốn cho con học thêm không phải vì các em yếu, mà vì họ mong muốn con mình vào được những trường cao hơn ở bậc đại học. Cần phân biệt điều này với dạy nâng cao chất lượng”.
Về yêu cầu “chỉ cho phép tổ chức dạy thêm, học thêm tại các trung tâm ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa ngoài nhà trường”, các giáo viên cho biết: Vấn đề đặt ra là ai được phép mở các trung tâm này, điều kiện như thế nào và quản lý họ ra sao? Đó là còn chưa kể đến tình trạng các trung tâm bồi dưỡng văn hóa “ép giá”, trả giáo viên không xứng đáng với công sức họ bỏ ra, nhưng vì miếng cơm manh áo, họ vẫn phải chấp nhận “bán sức”, vậy ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho giáo viên tại những trung tâm này?
Anh Huỳnh Bá Dũng (quận Bình Thạnh) thẳng thắn: “Tôi không hề muốn ép con mình phải đi từ lớp học thêm này sang lớp học thêm khác nếu như thi cử không quá nặng nề như hiện nay. Rõ ràng nếu con tôi chỉ học trên lớp, cháu sẽ không thể làm được các bài tập nâng cao, không thể đạt điểm khá giỏi, không thể vào được các trường ĐH tốt”.
Vẫn là cái vòng luẩn quẩn khi các giáo viên nhận định: Nếu lương đủ sống, họ sẽ không cần phải đi dạy thêm. Nếu chương trình học không quá tải, áp lực điểm số không quá nặng nề thì học sinh cũng không có nhu cầu phải đi học thêm.
Không phải cứ cấm đoán là giải quyết được vấn đề, bởi theo các chuyên gia giáo dục, cấm dạy thêm học thêm nếu có thực hiện được cũng chỉ là phần ngọn, phần nổi của mảng giáo dục. Cốt lõi sâu xa hơn cần phải có sự điều chỉnh và thay đổi từ gốc rễ, từ chương trình dạy học, từ sách giáo khoa đến đánh giá chất lượng và cuộc sống của giáo viên.