Giáo viên mong Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thành lập đường dây nóng!
Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII (ngày 09/4/2016), Quốc hội đã phê chuẩn ông Phùng Xuân Nhạ giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều đó đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, đặc biệt là những người đang công tác trong ngành giáo dục.
Tâm sự cùng phóng viên báo Infonet, nhiều giáo viên vừa tỏ ra vui mừng nhưng cũng không khỏi lo lắng. Niềm vui đương nhiên tới từ sự mong đợi một tương lai mới, một sự phát triển mới để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục nước nhà.
Còn sự lo lắng cũng không kém, bởi lẽ không biết rồi chúng ta sẽ lại đổi mới tiếp như thế nào? Học sinh và giáo viên có tiếp tục trở thành những “chú chuột bạch” như thời gian qua hay không?
Thông tư 30 là nỗi ám ảnh của giáo viên tiểu học trong 2 năm vừa qua. Bỏ thông tư 30 là một trong những nguyện vọng khẩn thiết mà nhiều giáo viên tiểu học đề nghị lên tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo |
Nhắc đến “sự lo lắng” khi có Bộ trưởng mới, một giáo viên tiểu học cho biết: “ Với giáo dục nói chung mà nhất giáo dục tiểu học nói riêng hiện nay còn tồn tại rất nhiều bất cập. Điều đầu tiên phải kể tới Thông tư 30 – quy định về cách đánh giá học sinh tiểu học (bỏ chấm điểm mà thay vào đó là nhận xét), chúng ta phải thừa nhận tính đúng đắn về mục tiêu của thông tư này. Tuy nhiên, khi đưa vào thực tiễn thì khiến cả học sinh và giáo viên đều “mệt mỏi nhất là phải thực hiện nó khi chưa có sự chuẩn bị sẵn về tâm thế”.
Đồng quan điểm, một giáo viên khác tại Yên Bái cũng cho hay, thông tư 30 này thực sự không phù hợp với nền giáo dục Việt Nam, thay vì yêu cầu thực hiện thông tư này, Bộ GD&ĐT hãy ra bộ SGK mới thật chuẩn như “pháp lệnh” để giáo viên theo đó mà dạy chứ như hiện nay thông tư 30 đang khiến giáo viên bị quay cuồng chứ nói gì tới học sinh.
Thậm chí vì phải thực hiện thông tư 30 mà các thầy cô tranh thủ nhận xét ở mọi lúc, mọi nơi và mọi chỗ từ chỗ ăn trưa, giờ giải lao, về nhà cũng cắm đầu vào soạn giáo án, nhận xét thậm chí trong giấc mơ cũng thấy mình đang phải viết “nhận xét”.
Chính việc viết nhận xét, soạn giáo án đã “đánh cắp” biết bao thời gian của giáo viên. Vì thế, hãy giảm tải việc soạn giáo án cũng như nhận xét để giáo viên có thời gian và chuyên tâm vào việc nghiên cứu cũng như giảng dạy.
Bên cạnh đó, một giáo viên tại Hà Nội cũng cho biết, hiện nay do không được chấm điểm nên học sinh cũng không còn “động lực” để học như trước. Thay vào đó là những dòng nhận xét dài loằng ngoằng của giáo viên nhiều học sinh cũng “chẳng buồn đọc”.
Nhiều người nghĩ rằng chấm điểm cho học sinh chính là nguyên nhân tạo ra áp lực trong giáo dục nhưng chúng ta không dám nhìn thẳng vào thực tế là chính sự kỳ vọng quá cao của gia đình và xã hội mới là nguyên nhân chính.
Muốn giáo dục có chất lượng tốt, không ít giáo viên tiểu học mong muốn dừng mô hình VNEN (mô hình trường học mới dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ và công nghệ Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại) vì nó quá tốn kém, năng lực của học sinh tiểu học không đáp ứng được, nhất là học sinh ở vùng nông thôn.
Mô hình này thật sự không phù hợp ở Việt Nam, chỉ nên học tập có chọn lọc mô hình này mà không nên triển khai “rộng khắp” như hiện nay. Bởi lẽ, mô hình này chỉ có lợi cho những học sinh có lực học tốt, còn học sinh yếu kém thì “mãi mãi không bao giờ tiến bộ được”, đó cũng là điều tối kỵ của một nền giáo dục.
Còn nhiều vấn đề thiết thân khác đối với giáo viên như tăng lương, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sư phạm, tăng sự chủ động cho giáo viên tiểu học... được giáo viên gửi gắm tới vị tân Tổng tư lệnh của ngành giáo dục.
Để có thể trực tiếp gửi tiếng nói của mình lên Bộ trưởng, nhiều giáo viên mong Bộ trưởng Bộ GD&ĐT công khai facebook cũng như số điện thoại cá nhân hoặc đường dây nóng để tiếp thu ý kiến từ học sinh cũng như các giáo viên địa phương. Bởi lẽ, việc tiến hành đổi mới đương nhiên giáo viên rất ủng hộ. Tuy nhiên đổi mới như thế nào thì Bộ GD&ĐT cũng nên lắng nghe ý kiến của giáo viên - những người trực tiếp thực hiện đổi mới.
Trước khi thực hiện đổi mới, xin hãy cho giáo viên được góp ý trực tiếp. Hiện nay, nhiều cơ sở chỉ có lãnh đạo đi góp ý, lại sợ phật ý cấp trên nên cố tình nói theo kiểu cổ vũ, đồng tình chứ không dám đưa ý kiến khác biệt. Nhưng Bộ GD&ĐT lại không hề biết rằng chính sự phản biện của giáo viên học sinh và phụ huynh mới là cơ sở quan trọng để đưa sự đổi mới đi đúng hướng.