Giáo viên chán nghề, hiệu trưởng lo tròn vai và cơ chế giáo dục "3 độc"
Quá lệ thuộc vào sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy
Theo các chuyên gia giáo dục, điều kiện và hoạt động sư phạm, giáo dục hiện nay theo cơ chế “3 độc”: Duy nhất một tài liệu dạy học, một đường hướng chuyên môn giáo dục, và một cơ quan quyết định tất cả mọi vấn đề của chiến lược giáo dục theo hàng dọc.
Từ Bộ GDĐT về Sở GDĐT, về các phòng GDĐT rồi về trường, rồi cuối cùng mới đến giáo viên. Trong khi chính giáo viên, những người trực tiếp đứng trên bục giảng mới là đối tượng trải nghiệm nhiều nhất những tồn tại của giáo dục.
Thậm chí, khi thay đổi một quyết sách nào đó trong giáo dục, thì những người quyết định cũng nghe từ dư luận chứ không hề nghe ý kiến từ các nhà khoa học và những người trực tiếp đứng lớp.
Theo PGS.TS Hoàng Thị Tuyết, Khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP HCM, khi giáo viên quá lệ thuộc vào một bộ sách, thậm chí biết sai mà không dám sửa vì nghĩ sách là pháp lệnh, người viết sách là “thánh” thì sự sáng tạo sẽ mất đi.
Giáo dục yêu cầu giáo viên dạy cho học sinh tính chủ động, sáng tạo nhưng chính người thầy lại không được chủ động, sáng tạo thì vô tác dụng. Cơ chế giáo viên bám sách, dạy giờ nào, bài nào, bao nhiêu phút biến ngôi trường hoạt động theo phương thức pha chế sẵn hơn là tạo điều kiện cho giáo viên tự thực hành. Đây là nguyên nhân khiến trình độ giáo viên ngày càng mai một.
Nghiên cứu của PGS.TS Ngô Minh Oanh,Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục TP HCM, cho thấy có tới 86,6% áp lực từ nguyên nhân từ sổ sách, giấy tờ quá nhiều. Nguyên nhân này đứng đầu trong số các nguyên nhân ảnh hưởng đến năng lực làm việc của giáo viên.
Khi tiến hành khảo sát mức độ sáng tạo của giáo viên trong các giờ dạy, một chuyên gia giáo dục cho biết, ở trường học nào ông cũng chứng kiến những giờ giảng rất trơn tru, không một sai sót, thậm chí giáo án, sổ giờ dạy của giáo viên cũng rất chuẩn mực. Dường như có sự sắp đặt sẵn những tiết học mẫu để phục vụ cho việc khảo sát. Sau đó, có giáo viên nói thẳng rằng hiệu trưởng dặn dò phải dạy như thế vì đây là bộ mặt, uy tín của trường
Ngay cả khi áp dụng Thông tư 30, rõ ràng Bộ GDĐT yêu cầu giáo viên chỉ cần nhận xét luân phiên, sổ sách có thể đánh máy và in. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, giáo viên phản ánh hiệu trưởng yêu cầu nhận xét hết, ghi tay hết để có hồ sơ đẹp, đề phòng khi có cấp trên kiểm tra. Chính yếu tố lo “tròn vai” của hiệu trưởng cũng khiến giáo viên bị áp lực tâm lý, ngại ngần thay đổi.
Lương thấp, áp lực nhiều
PGS.TS Ngô Minh Oanh cho biết đã thực hiện một cuộc điều tra với quy mô trên 9 quận, huyện với số lượng gần 1.000 phiếu câu hỏi, kết quả cho thấy: phần lớn giáo viên tiểu học tại TP HCM hiện đều tốt nghiệp CĐ, ĐH nhưng mức thu nhập của giáo viên từ 4-6 triệu đồng/tháng chiếm số đông (37%), 66,9% giáo viên cho rằng thu nhập hiện tại không đáp ứng nhu cầu cuộc sống gia đình.
PGS Oanh cho biết: “Tuy đây là mức khá so với giáo viên ở các địa phương khác nhưng ở TP HCM, giá sinh hoạt cao, nhu cầu đời sống đa dạng nên cuộc sống của giáo viên vẫn khó khăn, đặc biệt là tới 53,8% giáo viên phải dạy thêm để tăng thu nhập. Một bộ phận còn lại phải làm thêm, bươn chải để kiếm sống nhưng việc làm không gắn với chuyên môn. Như vậy, giáo viên rất dễ bị phân tâm trong hoạt động chuyên môn, không thể toàn tâm toàn ý cho hoạt động dạy học”.
Cô Võ Hoàng Diễm Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng (quận 3, TP HCM), nêu thực trạng giáo viên ngại đổi mới do mức lương không thỏa đáng. Điển hình, khi áp dụng Thông tư 30, giáo viên rất lúng túng, có người còn thẳng thắn tâm sự: “Lương không tăng mà việc càng nhiều, sao làm hết?”.
Đồng thời, chính cơ chế trả lương giáo viên theo kiểu cào bằng như hiện nay không thể thu hút những người giỏi vào nghề sư phạm. Thầy Lê Phan Vương Quốc, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho hay, một trong các nguyên nhân khiến giáo viên ngại đổi mới, ngại nâng cao trình độ là chế độ lương bổng vẫn theo hình thức thâm niên. Có những giáo viên làm việc rất nhiều, đóng góp đáng kể nhưng mức lương vẫn thấp do đi học nước ngoài khiến thâm niên bị gián đoạn. Nếu không thay đổi cơ chế này, rất khó để giáo viên toàn tâm toàn ý với nghề.
Ngoài ra, theo khảo sát của PGS Oanh, một nguyên nhân quan trọng là bệnh thành tích và sự thiếu trung thực làm giảm sút lòng tin và yêu nghề của giáo viên chiếm tới 61%.