Cô giáo chuyên tặng sách cho học sinh nghèo

Mấy năm rồi, cô Quỳnh Liên mang sách lên tặng một số trường vùng cao phía Bắc. Và cô nhận ra một điều, học sinh vùng cực kỳ khó khăn, vùng biên lại không thiếu thốn sách bằng học sinh thị trấn vùng sâu, vùng xa. Có trường, sách giáo khoa còn chẳng đủ.
Cô giáo chuyên tặng sách cho học sinh nghèo - ảnh 1
Cô Quỳnh Liên tặng sách Trường Tiểu học Xín Thầu, tháng 11-2011. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Gần đến Mường Nhé, cô Liên gọi điện cho ông Pờ Dần Sinh, Chủ tịch UBND xã Xín Thầu: “Chào bác, em sắp đến rồi”. “Tôi đã cử hai cậu đi đón cô rồi”. “Phải ba xe bác ạ, có ba thùng sách và hành lý nữa”. “Cô yên tâm, tôi sẽ cho thêm một xe”. Đến Mường Nhé, cô Liên đã thấy ba chàng trai đi xe gắn máy chờ ở bến xe. Họ rất ngạc nhiên khi thấy cô đi một mình...

Cô Liên biết Chủ tịch UBND xã Pờ Dần Sinh là người rất quan tâm và có nhiều đóng góp trong công tác giáo dục của xã Xín Thầu. Dù ông không nói ra nhưng sự cởi mở của ông cho cô biết, ông rất vui khi cô lên ăn Tết Hà Nhì với bà con mà không quên mang theo sách làm quà cho thầy và trò Trường Tiểu học Xín Thầu.

Quà cho trường nhưng phải thiết thực với trò

Mấy năm rồi, cô Liên mang sách lên tặng một số trường vùng cao phía Bắc. Thế nhưng chuyến đi tặng sách đầu tiên của cô năm 2010 lại ở đồng bằng, về Trường Tiểu học Gia Khánh huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Cô kể: “Đây là ngôi trường mình sơ tán hồi lớp 2, năm 1965. Mình chỉ học ở đó mấy tháng học kỳ hai. Khi nhận ra là bao nhiêu năm chưa một lần về thăm trường, mình quyết định phải sửa sai ngay.

Lúc chuẩn bị cho chuyến đi, mình nghĩ: “Về thăm trường phải có quà chứ, nhưng quà gì thì cũng phải thiết thực với học trò. Qua tìm hiểu, được biết nhà trường có thư viện và cách tổ chức cho học sinh đọc sách khá tốt nhưng số lượng sách thì còn ít, chủ yếu do học sinh đóng góp, mình quyết định mua sách truyện. Mình cũng kêu gọi học sinh các lớp mình dạy ủng hộ, các em đã hưởng ứng rất nhiệt tình. Khi hai vợ chồng mình về thăm trường với mấy thùng sách, cô hiệu trưởng xúc động lắm".

Từ chuyến đi đó, cô Liên bàn với chồng và vợ chồng cô quyết định mỗi năm dành ra một khoản tiền để mua sách tặng các trường vùng cao, nơi có nhiều khó khăn và sách lại càng thiếu hơn những nơi khác, đồng thời cô cũng kêu gọi sự ủng hộ giúp đỡ của mọi người. Sách được cô Liên mang theo trong những chuyến đi du lịch vùng cao như cô nói là để cho những chuyến đi của mình thêm ý nghĩa.

Trong chuyến đi Hà Giang mùa thu năm 2010, vợ chồng cô Liên đã mang cả chục thùng sách lên tặng 3 trường: Trường Tiểu học 1-5 ở Vị Xuyên, Trường PTTH và Trường Dân tộc nội trú ở Đồng Văn. Cuối năm đó, cô đi cùng một người bạn ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang tặng sách Trường Tiểu học và THCS Thèn Chu Phìn-vùng biên giới Hoàng Su Phì.

Năm 2011, vào dịp khai giảng năm học mới, cô Liên lại mang hơn chục thùng sách lên Hà Giang, tặng các trường cấp một và cấp hai xã biên giới Xín Cái. Một tháng sau chuyến đi đó, cô Liên đặt chân lên Mù Cang Chải ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín. Tình cờ cùng đi trên chuyến xe khách với cô có một giáo dạy tiếng Anh ở Trường THCS Võ Thị Sáu (thị trấn Mù Cang Chải). Hỏi thăm cô giáo dạy tiếng Anh, cô Liên được biết các trường ở thị trấn đều rất thiếu sách giáo khoa. Cô rất ngạc nhiên vì trước đó đã nghe nói những vùng rừng núi xa xôi nhiều khó khăn, học sinh được Nhà nước tài trợ vở và sách giáo khoa. 

Hai ngày ở Mù Cang Chải, cô dành một buổi đến thăm Trường THCS Võ Thị Sáu. Gặp cô Duyên, Hiệu trưởng và thầy Dũng, Hiệu phó, cô Liên được biết nhà trường thiếu thốn rất nhiều thứ, trong đó có sách giáo khoa. Thì ra chỉ có những xã đặc biệt khó khăn mới được Nhà nước tài trợ sách vở, còn các trường ở thị trấn thì mọi chế độ chính sách như trường dưới xuôi. "Các nhà hảo tâm thường chỉ tặng quà, giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn, ai cũng nghĩ ở thị trấn là sướng nên các trường thị trấn ít được quan tâm. Trường chúng tôi cũng có rất nhiều học sinh người Mông, trong đó có nhiều em hoàn cảnh rất khó khăn”-cô Duyên và thầy Dũng cho biết. 

Là một nhà giáo, cô Liên hiểu rõ học sinh đi học không thể thiếu sách giáo khoa, vì thế khi trở về Hà Nội, cô quyết định phải giúp thầy trò nhà trường càng sớm càng tốt. Khó khăn lúc này là tiền túi thì có hạn, lại vừa tặng sách ở Hà Giang, nhưng cô Liên cố gắng thu xếp để đúng mười ngày sau khi cô tạm biệt Mù Cang Chải, thầy trò Trường THCS Võ Thị Sáu nhận được số sách cần thiết. Cô Liên cũng không ngờ từ đó cô gắn bó với vùng đất tươi đẹp này.

Tháng 8-2012, học trò lớp đầu tiên cô Liên chủ nhiệm tổ chức họp mặt nhân kỷ niệm 10 năm ra trường. Cô Liên rất vui khi trong buổi họp mặt đó các học trò đã hưởng ứng rất nhiệt tình ý tưởng của cô là làm một việc có ý nghĩa thiết thực để kỷ niệm sự kiện này, đó là góp tiền mua sách giáo khoa tặng Trường Tiểu học Kim Đồng ở thị trấn Mù Cang Chải. Còn cô một lần nữa tặng sách giáo khoa Trường THCS Võ Thị Sáu.

Một tháng sau, nhân chuyến thăm Y Tý, một xã biên giới huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cô Liên mang theo mấy thùng sách truyện tặng hai trường cấp một và cấp hai của xã. Một năm nay, cô Liên là tình nguyện viên của Chương trình “Cơm có thịt”. Tham gia hoạt động và đóng góp cho chương trình thiện nguyện lớn này nhưng cô không quên chương trình riêng của mình dù phải cố gắng nhiều hơn. 

Gần đây nhất, đầu tháng 10-2013, cô đã mời bạn bè cùng tham gia mua sách giáo khoa tặng Trường PTDT bán trú THCS Nàn Sán-Si Ma Cai. Không chỉ tặng sách các trường, cô Liên còn dành một phần tiền mua sách tặng đồn biên phòng một số nơi cô đến thăm, như Đồn Biên phòng Xín Cái, Đồn Biên phòng 317 A Pa Chải và Đồn Biên phòng Y Tý. Đó là cách cô thể hiện tình cảm của mình đối với những người lính nơi biên cương Tổ quốc.

Từ những nơi có nhu cầu về sách giáo khoa như Mù Cang Chải, Si Ma Cai… sách cô mang lên vùng cao có nhiều loại, tùy theo đối tượng được tặng, chủ yếu là sách văn học, truyện tranh, sách dạy kỹ năng sống, sách phổ biến kiến thức, một phần sách tham khảo. Phần lớn là sách mua mới, một phần là sách cũ nhưng còn lành lặn và được cô lựa chọn cẩn thận. Việc làm của cô đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều người. Người ủng hộ sách, người ủng hộ tiền hoặc bằng sự giúp đỡ tận tình. 

Có những chuyến xe khách, khi biết cô mang sách tặng trẻ em vùng cao, nhà xe đã không lấy tiền vận chuyển khiến cô rất cảm động. Lần đầu mua sách giáo khoa tặng Mù Cang Chải, cô đã được ông Cấn Hữu Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Sách giáo dục tại Hà Nội-ủng hộ phí vận chuyển và một phần chiết khấu ngoài chiết khấu chung của Nhà xuất bản Giáo dục. Nhân dịp đó, công ty cũng tặng hai thùng sách tham khảo cho Trường THCS Võ Thị Sáu. 

Những lần sau trực tiếp mua sách giáo khoa tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cô cũng được Giám đốc Ngô Xuân Ái cho hưởng mức chiết khấu 50%, một việc chưa có tiền lệ, đồng thời nhà xuất bản cũng nhân dịp đó gửi tặng Trường THCS Võ Thị Sáu và Trường Nàn Sán nhiều sách tham khảo. Nhà xuất bản Kim Đồng cũng cho cô được mua sách với mức chiết khấu cao nhất. Những sự ủng hộ và giúp đỡ đó cũng như niềm vui được tặng sách ở những nơi cô đến là nguồn động viên khích lệ to lớn đối với cô.

“Ươm từng hạt giống của thời đại”

Những chuyến đi lên vùng cao cho cô Liên nhiều trải nghiệm, giúp cô hiểu thêm nhiều về cuộc sống đầy gian nan của người dân cũng như những khó khăn vất vả của học sinh và các thầy, cô giáo vùng cao. Với mong muốn khơi gợi để mọi người quan tâm hơn đến việc giúp trẻ em các dân tộc thiểu số học tốt tiếng Việt, góp phần làm giàu tri thức và tâm hồn các em qua những cuốn sách, cô Liên đã lập trang facebook “Sách cho trẻ em các dân tộc vùng cao”. 

Trong phần giới thiệu, cô viết: “Trẻ em vùng cao thiếu thốn rất nhiều thứ, trong đó có sách. Nhiều trường đã được xây dựng rất khang trang, những vùng đặc biệt khó khăn được Nhà nước tài trợ sách giáo khoa nhưng sách truyện, sách tham khảo thì rất ít… Với các em bé tiểu học, khi đến trường cũng là lúc các em bắt đầu làm quen với tiếng Việt. Những cuốn sách, truyện tranh đẹp sẽ giúp các em thích đi học hơn và từ đó học tiếng Việt được tốt hơn, và khi biết nói tốt tiếng Việt, các em sẽ học tốt hơn các môn văn hóa khác…

Chúng ta hãy cùng nhau góp sách để tặng cho các em nhỏ vùng cao, những cuốn sách lành mạnh, lành lặn, đẹp cả về hình thức, nội dung và ngôn ngữ. Chúng ta tặng các em những cuốn truyện tranh vẽ đẹp và có lời thuyết minh được viết thành câu thành đoạn văn rõ ràng, dễ hiểu, để các em có thể học được từ đó ngôn ngữ tiếng Việt và cách diễn đạt chuẩn mực. Chúng ta tặng các em những cuốn truyện hay, những sách phổ biến tri thức khoa học, lịch sử, khám phá thế giới và dạy kĩ năng sống, nói tóm lại là những sách bổ ích, làm giàu tri thức, làm giàu tâm hồn các em”.

Bữa trước, nhân ngày 20-11, chúng tôi đến thăm cô. Chủ nhà rất vui cho hay mới đi tặng sách ở Si Ma Cai về. Sách giáo khoa tặng Trường THCS Nàn Sán cả thảy 17 thùng. Tiền mua sách một phần do bạn bè và một số đồng nghiệp ở Tổ văn Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội chung tay ủng hộ. Nhân dịp này, NXB Giáo dục Việt Nam cũng nhờ cô chuyển tặng Trường THCS Nàn Sán 4 thùng sách tham khảo. 

Chào cô Liên ra về, tôi lại nhớ tới ca khúc “Em đứng giữa giảng đường hôm nay”, bài hát quen thuộc về nghề giáo mà mỗi khi nghe mọi người thường nhắc tới tên cô, chợt thấy cô như hiện thân qua lời bài hát: “Đời em cũng đang ươm từng hạt giống của thời đại/Bước chân em, bước chân em ngày càng vững hơn trên chặng đường mới/Như cánh chim tung bay giữa cao đẹp trời mây/Em đứng giữa giảng đường hôm nay/Mà niềm vui trong lòng dâng đầy...”.

Nguồn QĐND

Giao lưu văn hóa sưu tập tem nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ

Chương trình Giao lưu văn hóa sưu tập tem sẽ giúp học sinh Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) thêm yêu quê hương đất nước, góp phần phát triển phong trào sưu tập tem trong trường học.

Nữ sinh Trường Newton và hành trình giành học bổng toàn phần đại học top đầu thế giới

Tháng Tư luôn là giai đoạn sôi động nhất của việc apply học bổng của các học sinh có khát vọng tìm kiếm những môi trường giáo dục lý tưởng trên phạm vi toàn cầu.

Kỷ nguyên chuyển đổi số và những định hướng cho con khi chuyển cấp

Vừa qua, Trường THCS- THPT Newton đã tổ chức hội thảo “Kỷ nguyên chuyển đổi số và những định hướng cho con khi chuyển cấp”.

Tuyển sinh 2022: Thí sinh trúng tuyển đại học xác nhận nhập học từ hôm nay

Từ hôm nay (18/9), Bộ GD&ĐT sẽ mở hệ thống để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến; hạn cuối xác nhận nhập học là 17h ngày 30/9/2022.

Sở GD-ĐT Hà Tĩnh triển khai phương án phòng, chống virut Corona

Sở GD-ĐT Hà Tĩnh vừa ban hành văn bản số 132/SGDĐT-CTTT gửi Trưởng phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở; Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện về việc triển khai phòng, chống dịch bệnh do virut Corona gây ra.

Hải Phòng: Nhiều trường học "nhắc nhở" phụ huynh phòng chống vi rút Corona

Trong ngày 30, 31/1, nhiều trường học tại thành phố Hải Phòng đã có thông báo gửi đến phụ huynh, học sinh về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona.

Dọn phòng, bố ngỡ ngàng phát hiện Bộ luật “phải tuân chỉ” của con trai lớp 5

Một học sinh lớp 5 (ở Thanh Hóa) đã tự đề ra bộ luật 21 điều “phải tuân chỉ” riêng cho bản thân khiến cha mẹ vô cùng ngỡ ngàng.

Diễn biến mới nhất vụ hàng chục học sinh ở Đắk Lắk mang "hàng nóng" đi hỗn chiến

Vụ hàng chục học sinh tham gia chuẩn bị đánh nhau tại Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk đang khiến dư luận hết sức quan tâm. Tuy nhiên, các số liệu của nhà trường cung cấp cho báo chí và cơ quan chức năng đã "vênh" nhau một cách khó hiểu.

"Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 của Hà Nội đưa ra yêu cầu hoàn toàn phi lí"

Đó là chia sẻ của TS. Trịnh Thu Tuyết – nguyên giáo viên trườn THPT Chu Văn An (Hà Nội) về đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 9 của Hà Nội.

Xã hội càng "trí tuệ nhân tạo" sẽ càng cần "nhân văn số"

Ở Việt Nam, rô-bốt đã làm thay chức năng của nhân viên trong thư viện. Như vậy, để thấy viễn cảnh rô-bốt thay thế hoàn toàn con người trong một số lĩnh vực kỹ thuật không còn xa nữa. Nhưng nói như vậy, không có nghĩa là rô-bốt có thể thay thế mọi lĩnh vực...

Đang cập nhật dữ liệu !