Giảng viên sáng chế "Dũng sĩ diệt khuẩn", nước rửa tay sát khuẩn ứng dụng thiết thực cho cộng đồng
Từ thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với tính chủ động, sáng tạo, giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo sản phẩm phòng dịch có tính ứng dụng còn rất thiết thực cho cộng đồng
Chế xuất nước sát khuẩn
Đầu tháng 2/2020, hưởng ứng lời kêu gọi “chống dịch như chống giặc” cũng như phục vụ công tác phòng chống Covid-19, Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam giao cho khoa Cơ bản lên kế hoạch nghiên cứu, chế xuất nước rửa tay sát khuẩn, dung dịch lau sàn nhằm phục vụ trong nhà trường. Ngay khi nhận chỉ đạo từ ban giám hiệu, đội ngũ giảng viên của khoa nhanh chóng bắt tay vào công việc.
Thạc sĩ Phạm Quý và nhóm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm. |
“Nhà trường đã có sẵn phòng thí nghiệm, dụng cụ pha chế cùng với cơ sở vật chất đầy đủ. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có đội ngũ giảng viên tại khoa đều đúng chuyên ngành về hoá, có trình độ sau Đại học nên bước đầu xem như thuận lợi.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng gặp một số khó khăn, nhất là khâu mua nguyên liệu hoá chất để pha chế, bởi phải mua ở xa và mất nhiều ngày. Đơn cử như dung dịch làm mềm da tay glycerol, phải mua từ một Công ty dược ở Thừa - Thiên Huế. Hay những chai nhựa loại 300ml, nhóm phải đặt mua tận Hà Nội. Đó là chưa kể gần nửa tháng hàng mới về nên khâu hoá chất khoa không thể chủ động được”, thạc sĩ Phạm Quý (giảng viên khoa Cơ bản, thành viên nhóm nghiên cứu đề tài) chia sẻ.
Bước đầu loay hoay tìm nguồn hoá chất đảm bảo chất lượng dù gặp khó khăn, song nhóm nghiên cứu vẫn quyết tâm hoàn thành đề tài. Bởi thời điểm này, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trong khi đó, các mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn đang khan hiếm trên thị trường và giá cả “leo thang” từ ngày. Cố gắng, miệt mài trong phòng thí nghiệm của trường gần 20 ngày, cuối cùng 5 thành viên nhóm nghiên cứu đã cho “ra đời” những chai nước rửa tay khô sát khuẩn, dung dịch lau sàn và xịt phòng đầu tiên.
Nước sát khuẩn do trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam chế xuất. |
Trong đó, dung dịch rửa tay gồm các thành phần cơ bản: cồn, oxy già, glycerol và tinh dầu sả tạo mùi hương thơm. Sản phẩm này được sản xuất theo thành phần, tỷ lệ và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nên có tác dụng hiệu quả trong diệt khuẩn, phòng chống sự lây lan của các vi sinh vật gây bệnh và virus corona.
Còn dung dịch lau sàn, xịt phòng kháng khuẩn gồm các thành phần như: dịch chiết xuất từ sả, chanh, dung dịch bạc nitrat, nước cất và chitosan làm chất ổn định. Những chất này có công dụng trong việc làm sạch, ức chế sự phát triển của các loại vi sinh vật. Làm giảm nhanh số lượng vi khuẩn đối với các loại vi khuẩn gram âm và gram dương, nấm nha bào. Giúp tránh được vi khuẩn, vi rút gây bệnh, tránh được các bệnh truyền nhiễm và có tác dụng khử mùi.
Điều đặc biệt, dung dịch nước lau sàn được chế xuất từ đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh vào năm 2018 của thạc sĩ Lương Thị Tú Uyên (giảng viên Khoa Cơ bản của trường).
Theo thạc sĩ Phạm Quý, tính đến thời điểm hiện tại, khoa đã sản xuất 300 lít dung dịch lau sàn, xịt phòng và 200 lít dung dịch rửa tay khô sát khuẩn. Các dung dịch được chiết xuất ra chai lọ để phục vụ cán bộ, nhân viên nhà trường và sinh viên khi trở lại học tập.
Điều vui mừng hơn, ngay khi đề tài thành công, Tỉnh đoàn và một số Huyện đoàn đã liên hệ nhờ nhà trường hỗ trợ pha chế gần 300 lít dung dịch nước rửa tay sát khuẩn phát cho người dân để phòng chống dịch Covid-19.
“Mới đây, dung dịch nước rửa tay khô sát khuẩn của trường vừa được Sở Y tế Quảng Nam cấp giấy kiểm định, chứng nhận thành phần và tỷ lệ theo đúng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, nên người sử dụng có thể yên tâm về hiệu quả diệt khuẩn.
Kỹ sư Võ Trường Tiến bên sản phẩm “Dũng sĩ diệt khuẩn” |
Sau khi đề tài thành công đã có nhiều công ty liên hệ mua sản phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện mua bán, nhưng sẽ sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ các công ty này pha chế những loại dung dịch sát khuẩn nói trên nếu họ có nhu cầu”, thạc sĩ Quý cho biết thêm.
“Dũng sĩ diệt khuẩn” của chàng kỹ sư trẻ
Nước rửa tay sát khuẩn là cách hữu hiệu trong phòng chống dịch Covid-19. Khi sử dụng, mọi người phải ấn vòi xịt để lấy dung dịch hoặc cầm bình xịt lên để sát khuẩn. Tuy nhiên, lúc này vỏ bình xịt, vòi xịt có thể nhiễm virus và nguy cơ lây nhiễm chéo. Hơn nữa, dung dịch lấy ra có thể không đủ hoặc dư thừa, lượng dung dịch bị văng ra ngoài, không tiết kiệm.
Nhìn thấy được những mặt hạn chế đó, kỹ sư điện tử Võ Trường Tiến (31 tuổi, giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng, tỉnh Quảng Ngãi) đã cho “ra đời” máy “Dũng sĩ diệt khuẩn” hoạt động đầy hiệu quả. “Chỉ cần đưa tay vào dưới máy diệt khuẩn cách 15-20cm, máy sẽ tự động xịt dung dịch sát khuẩn vào tay. Người dùng không cần phải chạm tay vào bình chứa dung dịch, hạn chế lây nhiễm chéo”, kỹ sư Tiến chia sẻ.
Cũng theo giảng viên Võ Trường Tiến, máy được đặt trên một hình nhân bằng khung sắt và giấy form (giấy làm mô hình). Với “Dũng sĩ diệt khuẩn” thì thao tác khử khuẩn thực hiện hoàn toàn tự động, an toàn và tiện lợi. Máy hoạt động dựa vào cảm ứng hồng ngoại, phát hiện vật cản, nên khi để tay dưới máy sẽ kích hoạt phun dung dịch. Mô hình hiện tại là phiên bản thứ 3, những phiên bản trước khá thô sơ và còn một số hạn chế như lượng sát khuẩn còn nhiều, dáng vẻ chưa đẹp mắt.
“Phiên bản đầu tiên mình chỉ tốn 1 ngày để thực hiện. Từ phiên bản này đến phiên bản thứ 2 tổng cộng tốn khoảng 10 ngày do phải đặt linh kiện ở nơi khác đưa về. “Dũng sĩ diệt khuẩn” hoạt động theo cơ chế phần điều khiển nhận tín hiệu cảm biến từ tay người đặt dưới thiết bị, ngay lập tức xuất ra dung dịch dưới dạng phun sương điều chỉnh, lượng dung dịch sát khuẩn phun sương vừa đủ dùng. Các linh kiện và lắp ráp chỉ tốn 1,5 triệu đồng/máy”, nam kỹ sư tiết lộ.
Máy “Dũng sĩ diệt khuẩn” được đưa vào sử dụng trong cộng đồng |
Giảng viên Võ Trường Tiến chia sẻ, “Dũng sĩ diệt khuẩn” hoạt động bằng pin sạc, sau khoảng 10.000 lần xịt tự động thì cần phải sạc lại pin để cung cấp năng lượng cho thiết bị. Chính nhờ sản phẩm mang lại hiệu quả cao nên “Dũng sĩ diệt khuẩn” đã được Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đặt hàng để tặng cho các cơ sở y tế, chợ, chốt phòng dịch, cơ quan trong tỉnh.
Đón nhận chiếc máy rửa tay sát khuẩn tự động do Hội LHTN Việt Nam tỉnh trao tặng, bác sĩ Huỳnh Giới (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi) cho hay: "Chiếc máy này tại bệnh viện là hết sức cần thiết, góp phần thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống dịch. Bệnh viện cũng đã bố trí các khu vực rửa tay sát khuẩn bằng bình xịt, dễ bị lây nhiễm chéo, vừa thất thoát lượng lớn dung dịch. Máy sát khuẩn tay tự động này rất thuận tiện, dễ sử dụng, nên sẽ khuyến khích mọi người đến bệnh viện rửa tay sát khuẩn, qua đó hạn chế nguồn lây lan dịch bệnh trong bệnh viện. Đây là ý tưởng tuyệt vời trong lúc này".
Anh Lê Văn Vin (Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Quảng ngãi) cho biết, sáng kiến của kỹ sư Võ Trường Tiến là rất kịp thời và hữu ích. Chính vì vậy, Hội đã đặt hàng anh lắp ráp máy để phẩn bổ tại các vị trí trọng yếu, có nhiều người qua lại trên địa bàn tỉnh nhằm phòng chống dịch Covid-19.
Hồ Ca
Nhà sáng chế với công nghệ sản xuất chất siêu bán dẫn Fulleren giá 150 triệu USD/gam
Học hết lớp 6, nhưng là chủ nhân của 3 bằng sáng chế độc quyền và hàng chục sáng chế hữu dụng khác - ông chính là nhà sáng chế “chân đất” Trịnh Đình Năng.
Hồi sinh giá trị dược liệu Việt bằng khoa học công nghệ
Ths. Bá Thị Châm - Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt nam đã có công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong bào chế dược liệu qua đó phát triển được nhiều sản phẩm thương mại hóa cao.
Nhà khoa học và sản phẩm hỗ trợ người bệnh không thể giao tiếp bằng lời nói
Nếu ai đó chẳng may bị tổn thương chức năng vận động thậm chí không thể giao tiếp bằng lời nói thì Blife sẽ giúp người bệnh làm việc này…
Tận dụng vỏ trấu làm than sinh học xử lý nước nhiễm xăng dầu
TS. Lê Thị Nhi Công - Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các cộng sự đã nghiên cứu ra chế phẩm than sinh học tận dụng từ vỏ trấu.
Từ nỗi khổ của người thân đi khám bệnh, bác sĩ trẻ nghiên cứu nền tảng y tế số
Chứng kiến nỗi vất vả của người dân mỗi khi đi khám chữa bệnh, bác sĩ Lê Đức Nguyên – CEO của MED- ON đã quyết định xây dựng cho mình một nền tảng công nghệ y tế cộng đồng.
Nhóm nhà sáng chế trẻ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương nhờ Mũ cách ly di động
“Mũ cách ly di động' của hai học sinh Việt Nam có thể giúp phòng chống đại dịch COVID-19 đã tham gia trình diễn tại Techfest 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội từ ngày 26-29/11 tại trường Đại học kinh tế Quốc dân.
Viện Y học bản địa Việt Nam nơi ươm mầm khoa học công nghệ
Đã mấy chục năm qua, nền y học cách mạng Việt Nam đã đi theo hướng “Đông - Tây y kết hợp” đây là kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu và triển khai các ứng dụng khoa học công nghệ vào nền dược liệu Việt Nam.
Vượt khỏi “vùng an toàn”, nhà khoa học nữ thỏa sức đam mê với thực phẩm sạch
Với những người làm kinh doanh thuần túy, họ sẽ đặt ra mục tiêu phải kiếm được bao nhiêu tiền, nhưng các nhà khoa học lại khác, suy nghĩ của họ là giải quyết được vấn đề gì cho xã hội, đóng góp giá trị gì cho xã hội.
Chuyện chưa kể về nhà khoa học "giật gấu vá vai" … nghiên cứu máy bay không người lái
Một giảng viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) có lần tự bỏ tiền túi cùng nhóm nghiên cứu khoa học công nghệ tại trường này chế tạo thành công máy bay phun thuốc trừ sâu không người lái.
“Cha đẻ” chế phẩm xử lý nước nhiễm dầu Biochar: “Ước một ngày có 48h”
Đây là chia sẻ của TS Lê Thị Nhi Công, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ VN về quá trình thực hiện đề tài sử dụng than sinh học (biochar) tạo chế phẩm có khả năng phân hủy dầu.