Giảng đường đại học: Sốc với nơi nuôi dưỡng... những giấc ngủ
Thầy cứ giảng...trò cứ ngủ?
Theo quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (thường được gọi là Quy chế 43) thì hầu hết các trường đại học, cao đẳng đều đào tạo sinh viên theo hệ thống tín chỉ thay vì như niên khóa trước đây.
Điều đó có nghĩa là, thời gian sinh viên lên giảng đường sẽ giảm đi một nửa, sinh viên phải tự học ở nhà và giảng viên không còn giữ vai trò là người dạy truyền thống nữa mà chuyển sang vai trò là người gợi mở, giải đáp các thắc mắc của sinh viên.
Sinh viên ngủ gật tại khoa văn Đại học sư phạm Hà Nội tiết 6 ngày 4/11 |
Thời gian lên giảng đường ít đi, nhưng thực tế, theo quan sát của PV báo Infonet, trong một khoảng thời gian ngắn có mặt tại trường Đại học Thương Mại, nhiều sinh viên vẫn còn sử dụng rất lãng phí. Nhất là với các giờ học lý thuyết, hầu như giảng viên cứ thao thao bất tuyệt còn sinh viên ngồi dưới tha hồ làm việc riêng: Ngủ, nghe nhạc, chơi game, chat facebook…
Chỉ những tiết học thực hành, làm bài tập và cho các nhóm cạnh tranh với nhau thì mới thu hút được sự chú ý của sinh viên. Bạn Hoàng Thị H. sinh viên năm thứ hai trường Đại học Thương Mại cho hay: “Khoảng thời gian từ 13h- 15h mà phải đi học thì chúng em rất dễ buồn ngủ nếu bài giảng của các thầy cô không hấp dẫn. Rất nhiều bạn sinh viên đến giảng đường là chạy xuống ngồi tận cuối lớp hay chui vào một góc nào đó mà giảng viên không chú ý đến để điểm danh xong là ngủ và chơi điện tử. Vì thế, có nhiều hôm, các bàn cuối lớp thì chật kín mà những bàn đầu lại chẳng có sinh viên nào”.
Cùng quan điểm đó, bạn Cao Quốc T. sinh viên năm cuối Đại học Công nghiệp cho biết: “Ngày còn học phổ thông các thầy cô sát sao kiểm tra bài cũ nên bắt buộc phải học. Giờ là sinh viên đại học chúng em đi học sướng lắm, bài tập chẳng phải làm, tới lớp giảng viên chỉ yêu cầu muốn làm gì thì làm miễn không mất trật tự để ảnh hưởng tới người xung quanh là được. Vậy là, đứa thì đọc truyện ma, đứa thì xem phim, đứa thì lăn ra bàn ngủ. Hơn nữa, học theo hệ thống tín chỉ, mỗi môn một lớp, toàn bạn mới nên cũng chẳng gắn bó thân thiết gì. Đi học để có mặt, khi nào sắp thi, dành vài buổi ngồi ở nhà “tu luyện” là xong nhiệm vụ”.
Tại Đại học Thương mại tiết 7 chiều 4/11: Sinh viên không ngủ thì làm việc riêng |
Khi hỏi T. có bao giờ tự nghiên cứu kiến thức ở nhà hay không, cậu sinh viên năm cuối này nhăn mặt: “Làm gì có thời gian mà nghiên cứu ở nhà ạ, tối xem phim 2h sáng mới ngủ, 11h trưa hôm sau mới chào bình minh, chuẩn bị ăn uống 1h tới lớp xong 6h về lại ăn uống, lại chơi điện tử là hết ngày. Với lại, có tự nghiên cứu cũng chẳng hiểu gì đâu ạ”.
Sinh viên chưa có kĩ năng tự học?
Liên quan tới tình trạng sinh viên lên lớp chỉ để ngủ và chơi điện tử, PV Infornet đã có cuộc trò chuyện cùng TS. Mai Quốc Khánh, giảng viên khoa Tâm lí – Giáo dục học, Đại học Sư phạm Hà Nội.
TS. Mai Quốc Khánh, giảng viên khoa Tâm lí – Giáo dục học, Đại học Sư phạm Hà Nội. |
Thưa thầy, xin thầy cho biết làm sao để giảng viên có thể tạo hứng thú cho học sinh trong quá trình giảng dạy?
Thực ra, một giảng viên giỏi là người biết sinh viên của mình đang muốn gì, cần gì. Bằng cách đó, giảng viên có thể thay đổi cách thức trong quá trình giảng dạy để tạo hấp dẫn cho bài giảng.
Đầu tiên, giảng viên phải xây dựng được môi trường dạy học tích cực, bầu không khí gần gũi, thân thiện trong lớp học để mỗi buổi học.
Thứ hai, giảng viên cần khơi dậy và làm cho sinh viên nhận thức được đầy đủ nhu cầu học tập, sự cần thiết và ý nghĩa của việc học tập đối với bản thân, gia đình và xã hội trong tương lai.
Một điều không thể thiếu là giảng viên phải nắm bắt được mối quan tâm của sinh viên, khơi dậy trong lòng sinh viên, buộc các em phải tìm tòi, khám phá bài học.
Khoảng cách giữa giảng viên và sinh viên cũng là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên “chán học”, vậy có cách nào để khắc phục tình trạng này, thưa thầy?
Trong tiết học cần tăng cường sự tương tác và phản hồi từ cả hai phía sinh viên và giảng viên thông qua các hoạt động giảng dạy trên lớp và cả hoạt động ngoại khóa cũng là biện pháp tạo sự gần gũi, sẻ chia giữa thầy và trò. Để thực hiện được điều này, giảng viên cần thực hiện tốt vai trò của mình trong quá trình dạy học và sinh viên cũng phải nỗ lực không ngừng.
Thưa thầy, một vấn đề mà cả xã hội đang quan tâm là tinh thần tự học của sinh viên đang rất kém. Vậy có những biện pháp nào để nâng cao tinh thần tự học của sinh viên hiện nay?
Một điều chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy là sinh viên hiện nay đang thiếu kĩ năng tự học. Vì thế, nhà trường cần bồi dưỡng kĩ năng học tập cho sinh viên thông qua việc đưa các môn học như: Giáo dục học, tâm lí học, phương pháp học vào chương trình giảng dạy.
Ngoài ra, mức độ tự học của sinh viên hiện nay chưa cao nên để nâng cao tinh thần tự học, giảng viên cần có những biện pháp khuyến khích sinh viên tự học như trao giải thưởng kết hợp với thường xuyên kiểm tra, đánh giá năng lực sinh viên.
Và điều quan trọng, mỗi sinh viên phải có ý thức tự giác, tự ý thức được mình ngồi trên giảng đường là để tiếp thu kiến thức, phục vụ cho công việc trong tương lai chứ không phải đến giảng đường để ngủ, để chơi để rồi khi tốt nghiệp không làm được việc, thất nghiệp là câu chuyện đương nhiên.