Giảm số trẻ suy dinh dưỡng nhờ sữa học đường
Thí điểm triển khai chương trình sữa học đường cho 45-50% số trường mẫu giáo và tiểu học |
Tại sự kiện này, Bộ Y tế tiếp tục khẳng định sự cấp thiết của việc xây dựng mô hình sữa học đường chuẩn nhằm mục tiêu nâng cao thể lực tầm vóc người Việt. Lễ phát động diễn ra tại Hội trường Bộ Quốc Phòng, số 7 Nguyễn Tri Phương – Hà Nội.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, phong trào “Chung tay vì tầm vóc Việt” là chủ trương của Nhà nước, Chính phủ và các cấp lãnh đạo, cùng tâm nguyện của toàn thể người dân vì một thế hệ trẻ Việt Nam phát triển hơn cả về trí lực và thể lực.
Trong đó, “Chương trình sữa học đường cho trẻ em lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học” là hoạt động mang tầm chiến lược đầu tiên, được xây dựng căn cứ trên đề án số 641/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 28/4/2011 về Chương trình tổng thể mang tính chiến lược dài hạn “Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030”.
Chương trình sữa học đường được xây dựng dựa trên những công trình nghiên cứu dinh dưỡng quốc tế và Việt Nam về lứa tuổi vàng của con người. Lứa tuổi vàng được xác định trong khoảng từ 0 đến 12 tuổi.
Sự phát triển về trí tuệ và khả năng học tập của một con người được hình thành và phát triển hơn 50% ở những năm đầu đời, khoảng 30% tiếp theo được phát triển cho đến khi trẻ 8 tuổi, từ đó trí tuệ con người sẽ tiếp tục phát triển trong quá trình học tập và làm việc trong những năm kế tiếp.
Về thể lực, khoảng 54% chiều cao tối đa của trẻ đã đạt được khi tròn 3 tuổi, 32% chiều cao tối đa vào tuổi 12 và 14% còn lại vào tuổi 18. Ở Việt Nam, trẻ em độ tuổi học đường chiếm 1/3 dân số.
Tại sự kiện, Bộ Y tế cũng công bố mục tiêu theo từng giai đoạn của chương trình sữa học đường. Cụ thể đến năm 2015, thí điểm hướng dẫn, chăm sóc chế độ dinh dưỡng cho 55% số trường mẫu giáo và phổ thông; thí điểm triển khai chương trình sữa học đường cho 45-50% số trường mẫu giáo và tiểu học.
Đến năm 2020 mở rộng diện hướng dẫn, chăm sóc chế độ dinh dưỡng cho 100% số trường mẫu giáo và phổ thông; triển khai chương trình sữa học đường đối với toàn bộ các trường mẫu giáo và tiểu học.