Giai điệu tự hào tháng 8: những khúc ca tái hiện chặng đường 70 năm lịch sử
Chương trình sẽ tái hiện lại không khí hào hùng, vẻ vang của dân tộc trong chặng đường 70 năm bảo vệ và dựng xây đất nước, thông qua những bản tình ca cách mạng bất hủ như: Tình ca (1957, nhạc và lời: Hoàng Việt), Tình em (1962, nhạc Huy Du, phổ thơ Ngọc Sơn), Hành khúc ngày và đêm (1965, Nhạc Phan Huỳnh Điểu - Phổ thơ Dương Hương Ly), Nhịp cầu nối những bờ vui (1976, Nhạc Văn An - phổ thơ Phan Văn Từ), Tình yêu bên dòng sông quan họ (1979, Nhạc: Phan Lạc Hoa- phổ thơ Đỗ Trung Lai), Đất nước tình yêu (1980, Nhạc và lời: Lệ Giang).
Mỗi tác phẩm là một hoàn cảnh, một tâm tư khác biệt nhưng đều có chung một hình tượng đó là: sự nhớ nhung, yêu thương trong xa cách đã chắp cách cho tình yêu đôi lứa nương náu trong vận mệnh dân tộc để trở thành sự thủy chung, thiêng liêng, bất tử.
Xuất phát từ ý tưởng và bối cảnh xã hội của chủ đề trên, Giai điệu tự hào tháng 8 sẽ được thể hiện khác biệt so với các số trước. Chương trình sẽ chú trọng vào phần hòa âm phối khí hoàn toàn mới, mang hơi thở thời đại để thu hút khán giả trẻ nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh được tất cả những nét đẹp, tinh túy và giá trị nghệ thuật của ca khúc. Một số tiết mục biểu diễn được kết hợp với dàn nhạc trên sân khấu cùng sự minh họa của các nghệ sĩ múa; cũng như thiết kế sân khấu, đạo cụ, trang phục…mang tính nệ thực, để tăng thêm hiệu ứng cho khán giả; Sự đối thoại sôi nổi của hai hội đồng bình luận sẽ giúp khán giả hiểu hơn về thông điệp của từng ca khúc cụ thể …
Chương trình có sự góp mặt của các ca sĩ nổi tiếng: Bảo Yến, Tấn Minh, Lê Cát Trọng Lý, Tôn Thất Thái Sơn, Ban nhạc Ngũ Cung, Đông Hùng, Phúc Tiệp, Hoàng An. Hội đồng bình luận gồm nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo có uy tín như: nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo, nhạc sĩ Quỳnh Hợp, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà báo Bùi Hoàng Tám, Nhà thơ Nguyễn Minh Cường, nhà văn Phong Điệp, nhà báo - nhà phê bình âm nhạc Minh Đức, nhà báo Hà Sơn, nhà thơ – nhà báo Nguyễn Quang Hưng.
Tham gia chương trình, ca sĩ Bảo Yến sẽ thể hiện ca khúc Tình yêu bên dòng sông quan họ của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa sáng tác vào năm 1979, phổ từ bài thơ “Đêm sông Cầu” của nhà thơ Đỗ Trung Lai. Bài thơ này cũng đã từng được nhạc sĩ Văn Thành Nho phổ nhạc. Tuy nhiên, sự đồng cảm của hai tác giả cùng quê Hà Tây cũ: Đỗ Trung Lai quê ở Mỹ Đức, còn Phan Lạc Hoa quê ở Thạch Thất – đã làm cho thơ và nhạc hòa quyện như một “cặp đôi hoàn hảo” và giúp cho ca khúcTình yêu bên dòng sông quan họ của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa được khán giả biết đến nhiều hơn.
Ca sĩ Tấn Minh sẽ thể hiện ca khúc Đất nước tình yêu của nhạc sĩ Lệ Giang. Ca khúc được sáng tác vào năm 1980, nhân 35 năm ngày Quốc khánh 2/9. Đây là một trong những bài hát hay về đất nước mà cho đến nay nhiều thế hệ ca sĩ vẫn hát và đây cũng là ca khúc chủ đề của Giai điệu tự hào tháng 8.
Ca sĩ Lê Cát Trọng Lý và Tôn Thất Thái Sơn sẽ cùng song ca ca khúc Tình em của nhạc sĩ Huy Du, phổ thơ Ngọc Sơn. Ca khúc được nhạc sĩ sáng tác vào năm 1962 khi ông tình cờ đọc được bài thơ “Tình em” của nhà thơ Ngọc Sơn đăng trên báo Văn Nghệ. Là một nhạc sĩ quân đội, Huy Du thường phải xa gia đình để công tác, nên khi đọc bài thơ trên báo, ông đồng cảm ngay và cảm thấy như nhà thơ đã nói đúng suy nghĩ của mình về tình yêu gắn bó giữa người lính ở chiến trường và người thân yêu ở hậu phương. Và chỉ trong một đêm, nhạc sĩ Huy Du đã hoàn thành ca khúc.
Ngoài ca khúc Tình em, Lê Cát Trọng Lý cũng sẽ thể hiện ca khúc Nhịp cầu nối những bờ vui cùng với dàn nhạc. Ca khúc được nhạc sĩ Văn An sáng tác năm 1976, phổ thơ của Phan Văn Từ. Ca khúc là một bức tranh yên ả, lãng mạn hiếm hoi về tình yêu đôi lứa giữa cuộc chiến khốc liệt. Ca khúc được nhạc sĩ Văn An sáng tác trong dịp ông đi thực tế thâm nhập các đơn vị công binh, tham quan các buổi tập luyện của các chiến sĩ trong các đợt diễn tập ghép phà, làm cầu… Chứng kiến quá trình lao động vất vả cực nhọc của bộ đội công binh, ông nảy ra ý sáng tác ca khúc về các anh. Một hôm, ông tình cờ đọc được bài thơ của nhà thơ Phan Văn Từ có nội dung phù hợp với dự định của mình, thế là ông đem bài thơ ra phổ nhạc. Giai điệu của bài hát vừa trữ tình, tha thiết vừa mềm mại, chải chuốt, đậm đà màu sắc dân ca với cấu trúc gọn gàng, bút pháp khúc chiết. Ca khúc đã nhanh chóng hấp dẫn người nghe, thậm chí còn được dùng trong thể loại “tân cổ giao duyên” ở Nam bộ. Bộ Tư lệnh Công binh đã tặng thưởng nhạc sĩ Văn An về thành tích sáng tác ca khúc hay về công binh.
Hành khúc ngày và đêm – một trong những ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cũng được giới thiệu với sự thể hiện của ban nhạc Ngũ Cung. Đây là ca khúc viết về tình yêu đôi lứa trong những ngày khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mĩ. Ca khúc được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sáng tác vào năm 1965, sau khi ông đọc được bài thơ này của nhà thơ Bùi Công Minh trên báo Văn nghệ Quân đội. Vì bài thơ có nội dung rất hợp với hoàn cảnh của con trai nhạc sĩ lúc bấy giờ, cũng đang là bộ đội công binh và có người yêu là cô giáo ở Hà Nội nên ông đã phổ nhạc bài thơ để tặng con. Nhận xét về ca khúc, nhạc sĩ Doãn Nho từng viết một bài đăng trên báo Văn nghệ Quân đội nói rằng Phan Huỳnh Điểu đã làm được điều đặc biệt đó là biến tình ca thành hành khúc, tình ca vẫn có thể chiến đấu với giặc được.
Đông Hùng, Phúc Tiệp, Hoàng An góp mặt với tiết mục tốp ca ca khúc Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt - một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của lòng yêu nước, yêu quê hương tha thiết. Ca khúc được ông sáng tác vào năm 1957, khi ông đang tập kết ở miền Bắc, còn vợ thì ở miền Nam. Ca khúc là những nỗi lòng và tâm sự của chính tác giả gửi tới người vợ thân yêu và được coi là bức thông điệp của tình yêu trong bối cảnh hai miền đất nước bị chia cắt. Ngay sau khi ra đời, ca khúc là một tác phẩm thanh nhạc được dư luận đánh giá là bản tình ca hay nhất thời bấy giờ.
Giai điệu tự hào tháng 8 sẽ được phát sóng vào lúc 20h thứ Bảy, ngày 29/8/2015 trên kênh VTV1.
Minh Lê/mask online