Giải bài toán sinh viên được đào tạo không muốn về địa phương
Vựa cây ăn quả nhưng thiếu nhân lực trình độ cao
Sơn La là tỉnh miền núi, là địa phương có tốc độ phát triển nông nghiệp cao với nhiều mô hình khác nhau, đặc biệt là phát triển cây ăn quả trên đất dốc theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao.
Ông Đông cho biết, những năm qua trình độ dân trí địa phương đã được nâng lên tuy nhiên so với mặt bằng chung của cả nước thì trình độ khoa học -công nghệ và chất lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Dân số Sơn La tuy đông nhưng tỷ lệ thanh thiếu niên đi học và đang học ở các trường chuyên nghiệp (đào tạo nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học) trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước.
Ông Nguyễn Hữu Đông nhấn mạnh thêm dù lực lượng lao động nông nghiệp dồi dào nhưng lao động được đào tạo có trình độ chuyên môn lại rất thiếu. Lao động kỹ thuật cao rất ít, lại phân bố không đồng đều ở các ngành, các huyện, thành phố.
Trong khi đó, tình trạng học sinh, sinh viên ở Sơn La trúng tuyển, kể cả cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, đào tạo nghề sau khi tốt nghiệp ra trường lại không muốn về lại địa phương làm việc và công tác.
“Nguyên nhân đó là một số ngành nghề ở Sơn La chưa phát triển, môi trường làm việc chưa thuận lợi; doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản có quy mô siêu nhỏ, nhỏ là chủ yếu, chưa tạo được môi trường làm việc hấp dẫn”, ông Đông cho hay.
Sẵn sàng hỗ trợ bà con
GS. TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (NNVN) cho biết, Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng có nguồn tài nguyên đất đai rộng lớn, khí hậu mát mẻ, sự đa dạng sinh học với nhiều giống cây... Đây là những tài nguyên quý báu trong hệ sinh thái để xây dựng, phát triển một nền nông nghiệp đặc trưng.
Tuy vậy, về tổng thể nền nông nghiệp trong vùng vẫn dựa trên cơ cấu quy mô hộ nhỏ lẻ là chính. Đây là một trong những nguyên nhân cản trở việc đồng bộ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cũng như các giải pháp tiên tiến trong canh tác nông nghiệp. Điều này khiến cho năng suất và hiệu quả kinh tế sản xuất không cao.
Theo GS Nguyễn Thị Lan, có nhiều giải pháp để giải quyết những vấn đề này. Trong đó, nổi lên hai vấn đề lớn: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ.
“Với phương châm tập trung khai thác tốt nhất những tiềm năng – lợi thế về tài nguyên đất đai, khí hậu, sự đa dạng sinh học cùng với những tiến bộ thời đại giai đoạn cuộc cách mạng 4.0. Học viện mong muốn được đồng hành cùng các địa phương trong vùng Tây Bắc. Trong đó, tập trung hai lĩnh vực lớn là: Chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế các tỉnh phát triển”, GS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
Bí thư tỉnh uỷ Sơn La kiến nghị Học viện NNVN nghiên cứu, chuyển giao, liên kết ứng dụng các công nghệ sinh học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp số, vật liệu mới; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất, sơ chế và chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng an toàn, hữu cơ, sinh thái.
Đồng thời Học viện NNVN tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn.
Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông lâm thủy sản và thực phẩm của tỉnh. Phối hợp chặt chẽ công tác đào tạo, nghiên cứu, khuyến nông điện tử, khuyến nông cộng đồng và thương mại điện tử.
Bí thư tỉnh uỷ Sơn La cũng kiến nghị, Học viện NNVN triển khai nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu, đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ theo 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.
Ngô Huyền