Giá xăng dầu hôm nay 17/6: Tìm thấy động lực đi lên
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 12/6 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng được điều chỉnh giữ nguyên, còn giá dầu tăng nhẹ.
Cụ thể, giá xăng RON 95 là 22.010 đồng/lít. Giá xăng E5 RON 92 ở mức 20.870 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng lên mức 18.020 đồng/lít. Giá dầu hỏa ở mức 17.820 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 12/6 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 22.010 | 0 |
Xăng E5 RON 92-II | 20.870 | 0 |
Dầu diesel | 18.020 | +80 |
Dầu hỏa | 17.820 | +50 |
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (17/6) tiếp tục đi lên.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 10h10' ngày 17/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 76,61 USD/thùng, tăng 0,94 USD, tương đương 1,24% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 71,78 USD/thùng, tăng 1,16 USD, tương đương 1,64% so với phiên liền trước.
Ngày 16/6, giá dầu đảo chiều tăng sau khi giảm nhẹ vào phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 10h ngày 16/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 75,43 USD/thùng, giá dầu WTI ở mức 70,44 USD/thùng.
Đến 20h31' ngày 16/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 75,81 USD/thùng, tăng 0,13 USD, tương đương 0,17% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 70,72 USD/thùng, tăng 0,1 USD, tương đương 0,14% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu tăng do đồng USD suy yếu, tâm lý lạc quan về nhu cầu năng lượng từ Trung Quốc cùng với nỗi lo về nguồn cung thắt chặt.
Số liệu thống kê mới đây cho thấy, sản lượng lọc dầu của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới - trong tháng 5 tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao thứ hai trong lịch sử lọc dầu của nước này.
Cùng với đó, Trung Quốc vừa ban hành đợt hạn ngạch nhập khẩu dầu thô lần thứ 3 trong năm nay, nâng tổng khối lượng nhập khẩu dầu trong nửa đầu năm lên 194,1 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố hạ lãi suất cho vay ngắn hạn lần đầu tiên sau 10 tháng cũng khiến nhà đầu tư hi vọng nhu cầu nhiên liệu ở nước này sẽ khởi sắc.
Yếu tố nữa khiến giá dầu tăng là do sự suy yếu của đồng USD. Ngày 15/6, đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất 5 tuần qua so với rổ các đồng tiền chủ chốt. Do đó, các nước có thể mua dầu với giá rẻ hơn. Nhu cầu mua vào tăng lên kéo theo sự gia tăng của giá dầu.
Thêm nữa, giá dầu được dự báo tăng trong thời gian tới vì nguồn cung giảm. Các nhà phân tích cho rằng việc cắt giảm sản lượng dầu thô tự nguyện được thực hiện từ tháng 5 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) và Saudi Arabia vào tháng 7 sẽ hỗ trợ giá dầu tại thời điểm nhu cầu tăng mạnh.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế phần nào do kế hoạch tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới
Ngày 15/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức 3,5% - mức cao nhất trong 22 năm qua. Đây là lần tăng lãi suất thứ 8 của ECB kể từ tháng 7/2022 nhằm ứng phó với lạm phát cao kéo dài.
Trước đó, ngày 14/6, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất nhưng báo hiệu mức tăng ít nhất thêm 0,5 điểm phần trăm vào cuối năm nay.
Lãi suất cao sẽ làm tăng chi phí vay cho người tiêu dùng. Điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Hạnh Nguyên