Đối tượng lừa đảo đánh vào tâm lý người thân, bạn bè cần tiền gấp để trả hóa đơn
Theo báo cáo gần đây của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), những kẻ lừa đảo đã thay đổi chiến thuật theo tình hình dịch bệnh Covid-19 và cuộc khủng hoảng chi phí sống để giăng bẫy những người đang gặp khó khăn tài chính. Chỉ trong một tháng, 80.000 người Anh đã trở thành nạn nhân của các vụ tấn công giả mạo và đánh cắp thông tin cá nhân.
Còn theo nghiên cứu của Ngân hàng Anh TSB, những kẻ lừa đảo lợi dụng cuộc khủng hoảng chi phí sống để lừa nạn nhân vào bẫy chuyển tiền gấp giúp người thân hay họ hàng chi trả các loại hóa đơn còn thiếu nợ.
Computer Weekly đưa tin, dữ liệu của TSB cho hay số vụ lừa đảo giả mạo là bạn bè và người thân trong gia đình tại Anh đã tăng 58% trong những tháng gần đây.
Hình thức lừa đảo online này sử dụng chiêu thức thu thập thông tin cá nhân trên mạng, sau đó giả làm con cái của mục tiêu và than nghèo kể khổ để nạn nhân chuyển tiền giúp chi trả đống hóa đơn còn thiếu nợ.
Theo TSB, 89% vụ lừa đảo mà ngân hàng này nhận được báo cáo đều có điểm chung là kẻ lừa đảo dùng ứng dụng WhatsApp để lừa nạn nhân.
Điển hình, theo TSB, một nam khách hàng (71 tuổi) của ngân hàng đã gửi 1.700 bảng cho đối tượng lừa đảo giả làm con gái ông đang cần tiền gấp để trả số hóa đơn thiếu nợ. Một trường hợp khác, đối tượng lừa đảo lấy mất 50 bảng của một nữ khách hàng (29 tuổi) sau khi đóng giả là bạn thân của cô này đang cần tiền để trả hóa đơn mua năng lượng. Hai trường hợp này đã may mắn được TSB can thiệp và lấy lại được tiền.
Cũng theo TSB, trong một tháng, số tiền mà các nạn nhân bị lừa trung bình là 1.500 bảng. Trong số này người bị lừa ít nhất là 50 bảng và nhiều nhất là 9.500 bảng.
TSB cũng cho hay các nạn nhân thường nhận được tin nhắn từ những số điện thoại lạ kèm theo lời giải thích vì sao phải dùng số mới. Sau đó, các đối tượng lừa đảo tiếp tục nói chuyện thân mật và dụ dỗ nạn nhân chuyển tiền.
Đáng nói, số vụ lừa đảo lệ phí trả trước cũng đã tăng 53%. Đây hình thức lừa đảo nhằm chiếm dụng khoản tiền của nạn nhân, trong khi nạn nhân vẫn hy vọng sẽ nhận lại được một khoản tiền khác lớn hơn.
Đối tượng lừa đảo sẽ dụ dỗ nạn nhân chuyển khoản trước để sử dụng dịch vụ hay nhận phần thường không có thực. Số tiền trung bình mà hình thức lừa đảo này chiếm đoạt của các nạn nhân là 550 bảng.
Ngân hàng TSB từng giúp một nam khách hàng (32 tuổi) lấy lại số tiền 1.800 bảng đã chuyển cho một công ty có tên IVA Relief. Đây thực chất là một công ty ma, nhưng đối tượng lừa đảo lại quảng cáo công ty chuyên giúp xử lý các khoản nợ cá nhân.
Sau khi sập bẫy và chuyển số tiền theo yêu cầu của kẻ lừa đảo, người đàn ông đã cố liên lạc với “công ty ma”, nhưng không thành công.
Điều tra của TSB cũng cho thấy tác động lớn của hành vi lừa đảo đối với người dân trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Theo TSB, 58% hộ gia đình sẽ khó có thể chi trả số tiền để mua thực phẩm trong hơn 1 tuần, nếu như họ bị lừa 500 bảng. Vào năm 2021, tỷ lệ này là 32%.
Trong thời điểm hiện tại, 50% hộ gia đình sẽ không thể trả tiền thuê nhà, nếu như họ bị lừa 500 bảng. Tỷ lệ này vào năm ngoái là hơn 1/5 (22%).
Ông Paul Davis, Giám đốc Phòng Chống lừa đảo tại Ngân hàng TSB, nhấn mạnh “Số tiền bị mất do lừa đảo sẽ tác động mạnh tới các hộ gia đình trong giai đoạn kinh tế khó khăn, do đó chúng tôi hối thúc người dân đề cao cảnh giá trước những hoạt động liên lạc hoặc lời mời chào trên mạng không quen, bởi đó có thể là hành vi lừa đảo.
Với việc các ngân hàng khác không thể thu hồi lại tiền cho các nạn nhân trong hơn một nửa số vụ lừa đảo, khách hàng đừng để cảm xúc và những lời hối thúc tác động mà nên cân nhắc và không vội vàng chuyển tiền”.
Minh Thu (lược dịch)