Giá vàng hôm nay 28/6: Quanh vùng đáy 4 tháng
Giá vàng trong nước
Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/6, giá vàng 9999 trong nước được SJC và Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:
SJC Hà Nội: 66.350.000 đồng/lượng - 66.950.000 đồng/lượng
Doji Hà Nội: 66.350.000 đồng/lượng - 66.950.000 đồng/lượng
SJC TP.HCM: 66.350.000 đồng/lượng - 66.970.000 đồng/lượng
Doji TP.HCM: 66.450.000 đồng/lượng - 66.950.000 đồng/lượng
Giá vàng quốc tế
Đêm 27/6 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.925 USD/ounce. Vàng giao tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.947 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 27/6 cao hơn khoảng 5,5% (101 USD/ounce) so với đầu năm 2023. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 55,4 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 11,6 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 27/6.
Giá vàng trên thị trường quốc tế vẫn khá yếu và quanh vùng đáy 4 tháng qua do nền kinh tế Mỹ thỉnh thoảng vẫn phát đi tín hiệu tích cực và giá dầu giảm khá mạnh.
Vàng chịu áp lực giảm sau khi Mỹ công bố các đơn hàng hóa lâu bền của Mỹ trong tháng 5 tăng 1,7% so với mức dự báo giảm 1%. Số liệu này ngay lập tức hỗ trợ cho đồng USD, qua đó gây áp lực lên vàng.
Vàng giảm giá còn do giá dầu giảm mạnh, cả dầu WTI và dầu Brent đều giảm hơn 1% xuống tương ứng 68,6 USD/thùng và 73,4 USD/thùng. Saudi Arabia chuẩn bị cắt giảm 1 triệu thùng dầu thô/ngày (xuống còn 9 triệu thùng/ngày) kể từ tháng 7.
Dầu và vàng là 2 mặt hàng có quan hệ mật thiệt với nhau.
Việc Mỹ công bố tín hiệu kinh tế tích cực khiến giới đầu tư lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thêm cơ sở để tăng lãi suất thêm 2 lần trong 2 cuộc họp trong nửa cuối năm và có thể duy trì lãi suất cao thêm một thời gian dài.
Dự báo giá vàng
Vàng cũng chịu áp lực khi dòng tiền trở lại với nhiều thị trường chứng khoán sau khi rủi ro địa chính trị ở Nga suy giảm.
Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đây là yếu tố tích cực đối với vàng.
Bên cạnh đó, nhiều nước đảo chiều chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng để vực dậy nền kinh tế. Các động thái này cũng góp phần giúp nhiều loại hàng hóa, trong đó có vàng đi lên.
Vàng cũng vẫn được xem là kênh trú bão khi lạm phát trở lại.
Về lâu dài, vàng vẫn được dự báo sẽ tăng trở lại khi Fed đảo chiều chính sách tiền tệ (có thể từ năm 2024), qua đó khiến đồng USD suy giảm.
Mạnh Hà