Giả mạo công ty chứng khoán để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư
Thời gian gần đây xuất hiện hình thức lừa đảo mới với phương thức đối tượng lừa đảo giả mạo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, lập trang web mạo danh doanh nghiệp, giả mạo số tài khoản tại ngân hàng để lừa đảo.
Cụ thể, các đối tượng lừa đảo giả mạo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, lập trang web mạo danh Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), giả mạo số tài khoản của SSI tại Ngân hàng BIDV để lừa đảo.
Đáng chú ý, các đối tượng lừa đảo khẳng định tài khoản tại BIDV là “tài khoản trung tâm để luân chuyển”, trong khi tên chủ tài khoản lại là cá nhân mang tên “Nguyen Van Tap”.
Trước hiện tượng trên, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI khẳng định giấy tờ, thông tin trên đây là hoàn toàn giả mạo. SSI cho biết đã trình báo sự việc đến cơ quan Công an để điều tra, xử lý các đối tượng trên.
Các đối tượng giả mạo Giấy chứng nhận doanh nghiệp của SSI. |
Thông qua sự việc này, SSI khuyến cáo khách hàng liên hệ trực tiếp với SSI qua các kênh chính thức để kiểm tra thông tin về các đầu mối liên hệ sản phẩm dịch vụ của SSI tại website, fanpage chính thức của SSI, hoặc tổng đài Trung tâm Chăm sóc khách hàng SSI để tránh bị lừa đảo và trình báo ngay cơ quan công an khi phát hiện mình đã giao dịch với các đối tượng này.
Thời gian gần đây, SSI cũng như một số công ty chứng khoán khác thường là đối tượng bị các đối tượng lừa đảo nhắm đến bằng cách giả mạo công ty này. Các hình thức lừa đảo phổ biến gồm:
Trang web mạo danh SSI, SHS để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đối tượng lừa đảo giả mạo giấy tờ của Công ty CP Chứng khoán SSI, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp đồng khách hàng,...), số tài khoản SSI tại ngân hàng BIDV, lập trang web ảo để lừa khách hàng chuyển tiền đầu tư rồi biến mất.
Theo đó, khi đăng ký mở tài khoản và đầu tư trên trang web giả mạo, nhà đầu tư sẽ nhìn thấy lợi nhuận gia tăng. Tuy nhiên, sau một thời gian sẽ không thể rút được tiền vốn và lãi về. Đối tượng lừa đảo sau đó sẽ yêu cầu nhà đầu tư đóng thêm tiền thuế thu nhập cá nhân 10% hoặc phí sàn, tiền duy trì hồ sơ, phí rút tiền, tiền nâng cấp hồ sơ lên VIP1, VIP2, chờ đợt giải ngân.... Sau khi nhận được tiền, các đối tượng sẽ chặn liên lạc của người đầu tư để chiếm đoạt tài sản.
Giả mạo website của SSI. |
Một số trường hợp các trang web lừa đảo với nội dung cá cược, xổ số, đánh bạc. Hình ảnh liên tục thay đổi, mạo danh các công ty chứng khoán SSI, SHS,... thông qua sử dụng logo, tên các ưu đãi có thật nhưng hình ảnh méo mó, không dẫn link nội dung về web chính thức.
Bên cạnh đó, hình thức lừa đảo phổ biến thời gian gần đây là mạo danh tuyển dụng để lừa đảo tải app.
Các đối tượng mạo danh là nhân viên/ kế toán trưởng/ bộ phận tuyển dụng công ty chứng khoán để yêu cầu tải ứng dụng kiếm tiền. Hiện đã có trường hợp lừa tải app SHS, DingTalk để trục lợi.
Giả mạo tuyển dụng SSI. |
Theo đó, các đối tượng lừa đảo hứa hẹn trả lương cho người tải app để làm nhiệm vụ online, “mã hóa dữ liệu”, like, thả tim, follow, tăng tương tác cho các bài post của công ty chứng khoán. Đồng thời, yêu cầu người tham gia trả một khoản phí để bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ, sau đó lấy tiền và chặn liên lạc.
Nhiều trường hợp, các đối tượng lừa đảo hứa hẹn cơ hội đầu tư hấp dẫn, yêu cầu nạp tiền vào app/ chuyển tiền để lập hồ sơ. Sau khi người tham gia chuyển tiền đầu tư và các các loại tiền ‘lì xì’ phòng thuế để làm hồ sơ, tiền nâng cấp tài khoản VIP, tiền xác thực tài khoản và phí duy trì hồ sơ 1%,... thì mất liên lạc với các đối tượng lừa đảo và không rút được tiền.
Tuân Nguyễn
Lộ thông tin cá nhân gia tăng: Làm gì để người dùng tránh bị lừa đảo?
Có những hành vi rất đơn giản có thể làm lộ lọt thông tin cá nhân của chúng ta, ví dụ chúng ta tham gia các trò chơi trên MXH như, bói toán, chụp ảnh khuôn mặt…