Giá lợn hơi cao nhất năm, xuất khẩu thịt gia cầm tăng đột biến 798%
Giá lợn hơi cao nhất khu vực
Ngày 12/7, chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Hoàng Văn Chung, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở Sơn Dương (Tuyên Quang), cho hay: "Giá lợn hơi đã tăng lên 64.000 đồng/kg, có lợn xuất chuồng thời điểm này lãi 700.000-800.000 đồng/con".
Tuy nhiên, dịp này, ông Chung mới bán được một lứa lợn với giá 61.000 đồng/kg, lãi 400-500 nghìn đồng mỗi con. Lứa lợn tiếp theo chuẩn bị xuất chuồng.
Theo ông, giá không chỉ tăng mà lợn tiêu thụ cũng tốt hơn hồi đầu năm. Vì vậy, ông quyết định tăng đàn nái từ 50 lên 100 con để mở rộng quy mô chăn nuôi lợn thịt thương phẩm.
"Người chăn nuôi chỉ mong giá lợn hơi neo ở mức 64.000-67.000 đồng/kg như hiện tại là yên tâm giữ đàn. Bởi, giá vọt lên cao quá cũng không ổn định", ông nói.
Chia sẻ với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, đầu năm giá lợn khá thấp, người chăn nuôi thua lỗ, thu hẹp quy mô đàn. Từ tháng 5 đến nay, giá lợn đã phục hồi, hiện lên 59.000-67.000 đồng/kg - mức giá cao nhất kể từ đầu năm.
"Từ tháng 7, giá lợn vào chu kỳ tăng theo quy luật thị trường. Bởi, nửa cuối năm nhu cầu tiêu dùng thịt lợn cao, trong khi năm nay nguồn cung suy giảm", ông nói.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, giá lợn hơi ở miền Bắc đang cao nhất cả nước, phổ biến ở mức 63.000-67.000 đồng/kg. Khu vực phía Nam, giá lợn thấp hơn, dao động từ 59.000-62.000 đồng/kg.
"Dù với mức giá thấp nhất hiện nay, những hộ nuôi nhỏ lẻ vẫn lãi nếu có lợn bán", ông nói.
Nhận định về giá lợn hơi thời gian tới, ông Đoán cho rằng sẽ tăng, có thể chạm mốc 70.000 đồng, còn vượt mức này rất khó. Bởi, giá lợn hơi ở nước ta đang cao hơn giá các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào...
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, quý I năm nay, giá bán thịt lợn hơi ở mức thấp, nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ không thể bù lỗ nên phải dừng. Tuy nhiên, sang quý II, giá thịt lợn hơi tăng nhanh với mức khá cao, chăn nuôi lợn đạt được lợi nhuận khá.
Khu vực doanh nghiệp và chuỗi liên kết sản xuất đang có xu hướng mở rộng sản xuất khi giá sản phẩm đầu ra tăng. Tổng số lợn của cả nước tính đến cuối tháng 6/2023 tăng khoảng 2,5%; sản lượng thịt lợn hơi 6 tháng đầu năm ước đạt 2.325,6 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu thịt, phụ phẩm gia cầm tăng đột biến
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được gần 8.700 tấn thịt và các sản phẩm thịt, thu về 40,64 triệu USD, tăng 39,5% về lượng và tăng 63,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Nước ta xuất khẩu chủ yếu thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác; thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm...
Đáng chú ý, tính đến tháng 5/2023, nước ta xuất khẩu 2.580 tấn thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm, giá trị đạt 7,11 triệu USD, tăng đột biến hơn 461% về lượng và gần 798% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường, thịt và các sản phẩm thịt được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường Hong Kong (Trung Quốc), Bỉ, Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Hà Lan...
Trong đó, Hong Kong (Trung Quốc) đứng đầu trong các thị trường xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt của nước ta. Xuất khẩu nhóm mặt hàng này sang Hong Kong 5 tháng đầu năm nay đạt 24,33 triệu USD, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với xuất khẩu, lượng thịt và sản phẩm thịt nhập khẩu về Việt Nam cũng trong xu hướng tăng. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, nước ta chi 480,32 triệu USD để nhập khẩu 239,13 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, tăng 1,6% về lượng nhưng giảm 9,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Mỹ, Ấn Độ, Nga, Brazil và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam. Theo đó, các mặt hàng được nhập về chủ yếu gồm: thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; thịt trâu tươi đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh...
Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh có xu hướng tăng. Riêng thịt lợn, 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 29,61 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 73,62 triệu USD, giảm 19,9% về lượng và giảm 5,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tâm An