Giá́ gà, vịt và hải sản rẻ chưa từng thấy, bà nội trợ loại thịt lợn ra khỏi thực đơn
Chị Thu Trang (Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) cho biết, gần cả tháng nay gia đình không ăn thịt lợn, chuyển sang ăn cá, tép, thịt gà để tiết kiệm chi tiêu.
“Chồng tôi làm bên công ty du học, đã phải nghỉ việc hai tháng nay vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chính vì thế việc chi tiêu trong gia đình đợt này phải hết sức tiết kiệm, cố gắng mỗi tháng tiền ăn chỉ dao động khoảng 3,5 triệu đồng, bởi ngoài tiền ăn còn tiền thuê nhà, điện nước nữa. Thịt lợn vốn là món ăn bình dân trong bữa cơm hằng ngày nhưng giờ chúng tôi vẫn nói đùa là món ăn xa xỉ. Kêu than mãi thịt lợn cũng không giảm giá nên thay vì ăn thịt lợn, chúng tôi chuyển sang thịt khác như gà, vịt, cá, tép…” chị nói.
Giá thịt lợn tại chợ dân sinh, siêu thị vẫn ở mức cao, dao động từ 140.000 đến hơn 200.000 đồng/kg, cá biệt có thương hiệu bán với giá gần 400.000 đồng/kg thịt lợn |
Cũng theo chị Trang, hiện nay, giá thịt gà, thịt vịt cũng rất rẻ. Trên các chợ online, gà ta lai chọi đang được rao bán với giá chỉ 70.000 đồng/kg, thịt vịt 35.000-40.000 đồng/kg, rẻ hơn rất nhiều so với thịt lợn.
Chị Trần Giang (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết, trước đây, gia đình chị cũng hay ăn thịt lợn nhưng giờ đây cả hai vợ chồng đã loại thịt lợn ra khỏi thực đơn, chuyển sang ăn các thực phẩm khác.
“Nhà tôi thường mua cá trắm, cá bạc má, cá chim về kho, sốt cà chua, hấp, rán…để thay đổi nên dù ăn nhiều cá cũng không bị ngán. Ăn cá vừa tốt cho sức khỏe lại tiết kiệm được chi tiêu trong bối cảnh giá thịt lợn tăng cao như hiện nay. Tôi cũng vừa đặt mua một con cá tầm hơn 2kg, cá này có thể chế biến nhiều món như lẩu, nướng, đầu, sụn có thể om chuối đậu, nhờ người bán làm sạch, chia các phần như yêu cầu, sau đó về cho vào tủ lạnh để ăn dần, đỡ phải đi chợ”, chị Giang nói.
Theo khảo sát của phóng viên, tại các chợ ở Hà Nội, các mặt hàng thủy sản đã giảm khá mạnh. Chẳng hạn, cá tầm từ 240.000 giảm còn 190.000 đồng/kg, cá trắm đen 220.000 đồng/kg giảm còn 170.000 đồng/kg, cá trắm trắng 70.000 đồng/kg, cá diêu hồng 60.000 đồng/kg, cá lăng 90.000 đồng/kg, cá rô phi 35.000 đồng/kg, cá chép 60.000 đồng/kg…
Nguồn cung dồi dào trong khi nhà hàng, quán ăn đóng cửa, mặt khác người dân cũng hạn chế đi chợ hơn nên các tiểu thương phải giảm giá để tiêu thụ hàng.
Chị Thủy bán hàng thủy sản tại chợ Nghĩa Tân cho biết: “Mặc dù đợt này chúng tôi không nhập được cho nhà hàng nhưng giá các loại cá rẻ hơn, người dân từ ăn thịt chuyển sang ăn cá nhiều nên cũng đắt hàng hơn”, chị Thủy nói.
Chị Hằng, một tiểu thương tại chợ cho biết, khách hạn chế đi chợ hơn nhưng thay vào đó mua tích trữ nhiều hơn, nhất là vào các ngày cuối tuần thì lượng hàng bán ra tăng đột biến.
Ngoài ra, một số loại hải sản vốn đắt đỏ cũng được bán với giả mềm hơn trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, tôm hùm loại 3 con/kg từ 750.000-800.000 đồng/kg hiện chỉ còn 700.000 đồng/kg. Tôm sú loại từ 400.000 đồng/kg giảm còn 350.000 đồng/kg.
Mới đây, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, đến nay, do dịch COVD-19, tỷ lệ các đơn hàng xuất khẩu đã ký bị khách yêu cầu cầu tạm hoãn và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy khá cao (lần lượt 20-40% và 20-30%). Các thị trường có yêu cầu hoãn, hủy đơn hàng nhiều nhất là EU, Hàn Quốc và Trung Quốc (từ tháng 3, Trung Quốc bắt đầu có dần các đơn hàng trở lại); con số này ít hơn ở các thị trường Nhật, Mỹ, Nga. Đặc biệt tại thị trường châu Âu phần lớn các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy đơn hàng, mặt hàng cá tra chịu tác động ít hơn do giá tiêu thụ rẻ hơn và chủ yếu bán cho các hệ thống siêu thị. Đối với các đơn hàng trong quý II, quý III/2002, Vasep cho biết, việc ký kết các đơn hàng mới cũng rất khó khăn, đặc biệt tại các nhóm thị trường chính như Mỹ, Nhật, EU... Nhiều DN vừa và nhỏ gần như không có các đơn hàng mới trong quý II, quý III, một số doanh nghiệp khác có được đơn hàng mới nhưng không nhiều. |