Mẹ tá hỏa phát hiện con trai vào nhóm chat có link thô tục: Cách nào bảo vệ trẻ trên mạng ảo?
Dịch Covid-19 khiến trẻ em phải học online dài ngày. Từ đó vấn đề an toàn mạng được quan tâm hơn khi trẻ tham gia vào các hoạt động trên môi trường internet.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế, Việt nam có đến 96,9% trẻ sử dụng mạng internet. Cứ 3 trẻ em thì có 2 trẻ có thể kết nối trực tuyến, trẻ có thể tiếp cận internet qua các thiết bị như điện thoại, máy tính của cá nhân, của người thân, ở trường và ngoài quán internet.
Trẻ sử dụng Internet chủ yếu để học tập, nghiên cứu chiếm tỷ lệ 83,1%; 71,5% trẻ em sử dụng internet để xem phim, nghe ca nhạc; Việc xem các chương trình giải trí, đọc tin tức của trẻ chiếm 70,9%. Bên cạnh đó, trẻ em còn sử dụng internet để giao lưu, kết nối bạn bè chiếm 71,2% và mục đích chơi trò chơi điện tử, trực tuyến lên tới 58,7%.
Những con số trên có thể thấy, mạng xã hội đã và đang trở thành một phần quan trọng của cuộc sống của trẻ nhất là trong giai đoạn dịch bệnh học sinh chuyển sang học trực tuyến.
Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội dần trở thành vấn đề khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Bởi, bất cứ ai tham gia vào môi trường số cũng đều có thể trở thành nạn nhân của thói bắt nạt, thông tin giả, lừa đảo và các kiểu ứng xử thiếu văn minh khác nhất là với trẻ em khi các em còn thiếu kỹ năng sử dụng mạng xã hội.
Đặc biệt là vấn đề liên quan đến lừa đảo mạng, xâm hại tình dục mạng, bạo lực mạng. Đây là thực trạng khiến nhiều phụ huynh lo lắng và cảm thấy bất an khi mà thời lượng các con phải học online quá nhiều, thời gian tiếp cận internet theo đó cũng tăng lên.
Ảnh minh họa |
Chị Nguyễn Minh Chi (Hải Phòng) có con đang học lớp 8 chia sẻ, gần 2 năm phải học online, con trai chị từ một cậu bé còn bỡ ngỡ với các thao tác máy tính đến giờ đã biết rất nhiều nền tảng mạng xã hội.
Đáng nói, một lần học xong, cậu quên không thoát trang cá nhân facebook, chị ngồi máy tính và đã vô tình đọc được rất nhiều đoạn chat trong nhóm bạn bè của cậu. Nhóm này chủ yếu là chat rủ nhau đi chơi, truyền cho nhau những thước phim có nội dung thô tục, rủ nhau thử hút thuốc lá điện tử, bình phẩm về hình thức của các bạn gái… Đọc xong, nữ phụ huynh tá hỏa giật mình, không nghĩ là con mình đã “lớn” và bị rủ rê, lôi kéo nhiều như vậy.
Cùng cảnh ngộ, lướt vào lịch sử truy cập mạng, chị Tô Hằng Nga (Thái Bình) thấy con rất hay vào các trang Youtube có nội dung bạo lực, những trang mạng có hình ảnh và lời bình tục tĩu… Ngay sau đó, chị Nga đã ngồi nói chuyện nghiêm túc với con, phân tích cho con thấy những tác hại tiềm ẩn của mạng xã hội, nếu không tỉnh táo thì sẽ dẫn đến bị “nghiện”, sa ngã và trở nên hư hỏng…
Vậy phụ huynh cần làm gì để con em được an toàn trên mạng?
Theo các chuyên gia thì đầu tiên, cha mẹ cần làm công tác tư tưởng thật tốt cho trẻ, trang bị kỹ năng sống, nhận thức đúng đắn, giáo dục giới tính, nâng cao kiến thức sử dụng internet, mạng xã hội. Những thông tin này đều được đăng tải trên các nguồn chính thống, rất dễ để tiếp cận.
Tiếp đến, mỗi gia đình tự trang bị các giải pháp bảo mật cho các thiết bị của mình và con cái, có thể tận dụng các phần mềm bảo vệ miễn phí hoặc có thể trả phí cho các giải pháp nhiều tính năng hơn để luôn theo sát hoạt động của con một cách tế nhị, đồng thời can thiệp kịp thời khi cần thiết.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh (ĐH sư phạm Hà Nội) cho hay: “Tôi cho rằng trong các môi trường tác động hình thành đến nhân cách của đứa trẻ thì môi trường gia đình là quan trọng nhất, đặc biệt là cách sống, lối sống, suy nghĩ của cha mẹ và bảo vệ con trên không gian mạng không khó nếu chúng ta biết cách.
Các bậc phụ huynh cần liên tục giáo dục con về những nội dung phù hợp, không phù hợp trên mạng và hãy làm điều này ngay khi cha mẹ quyết định cho con lên mạng, cho con sử dụng điện thoại thông minh.
Ngoài ra, mỗi gia đình tự trang bị các giải pháp bảo mật cho các thiết bị của mình và con cái, có thể tận dụng các phần mềm bảo vệ miễn phí hoặc có thể trả phí cho các giải pháp nhiều tính năng hơn để luôn theo sát hoạt động của con một cách tế nhị, đồng thời can thiệp kịp thời khi cần thiết.
Cùng với đó, phụ huynh cần hiểu hơn về diễn biến, sự phát triển tâm sinh lý của con, chủ động giáo dục giới tính cho con. Các bậc phụ huynh cũng cần cố gắng cân bằng giữa bảo vệ con và giám sát con tránh việc con cảm thấy bị ức chế sẽ làm ngược lại những gì bố mẹ muốn”.
Hoàng Thanh