Không muốn con ích kỷ, bất hiếu, bố mẹ đừng làm những việc này
Sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu, đòi hỏi, không cho con làm việc, luôn nhường trẻ phần ăn nhiều hơn… là những điều mà hầu hết các bậc phụ huynh đang thực hiện với con mình
Làm sao để trị thói ích kỷ của trẻ? (Ảnh minh hoạ) |
Chị Mai Hương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) băn khoăn khi con trai chị năm nay đã học lớp 10 nhưng không bao giờ thích chia sẻ đồ ăn, tình cảm với em gái. Chị buồn rầu cho biết, dù cách nhau 10 tuổi nhưng suốt ngày các con chí choé nhau.
Anh lớn nhưng không bao giờ đồng ý với quan điểm “nhường em” mà luôn yêu cầu mẹ “phải công bằng” trong mọi việc.
“Không biết có phải do sinh con thưa quá, anh lớn quen với việc chỉ có một mình mọi tình cảm, sẻ chia, yêu thương cả đại gia đình trao hết cho con hay không mà giờ nhiều khi tôi thấy con ích kỷ không thể tưởng tượng được. Tôi chỉ lo sau này, khi bố mẹ già đi, anh em không biết bảo bọc, thương yêu nhau chỉ vì thói ích kỷ này”, chị Hương than phiền.
Chia sẻ với tâm trạng lo lắng của chị Hương, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền cho rằng, cái gì “quá” cũng luôn không tốt: chăm chút quá, đáp ứng quá mọi đòi hỏi của con. Các bậc phụ huynh hãy cân bằng một cách tỉnh táo để con không trở thành những đứa trẻ bị cho là ích kỷ, thậm chí bất hiếu trong tương lai. Để làm được điều này, cha mẹ cố gắng đừng nuôi dưỡng sự ích kỷ, thói quen đòi hỏi trong con ngay từ những ngày còn thơ bé.
Việc này được thể hiện ngay từ trong những hành động tưởng rất nhỏ nhưng sẽ hình thành nên tính cách của trẻ về sau. Đó có thể là cách bố mẹ luôn đáp ứng trước hoặc đáp ứng ngay những đòi hỏi của trẻ (mua đồ chơi, bim bim…).
Dù những phần quà đó không có giá trị lớn, không ảnh hưởng quá nhiều đến chi tiêu trong gia đình nhưng theo chuyên gia Phạm Hiền lại “hình thành tư duy của trẻ muốn là phải được và nếu không có sẽ thấy bất mãn”.
Lúc này trẻ sẽ thấy bản thân như là nạn nhân của mọi vấn đề. Những đứa trẻ được nuông chiều, được thoả mãn mọi nhu cầu từ nhỏ khi lớn sẽ không có ý chí, chúng không cần phấn đấu vì cho rằng mọi thứ đã có, thậm chí có quá dễ dàng.
“Những đứa trẻ này dễ ngạo mạn, coi thường và luôn có thái độ tiêu cực trong cuộc sống”, bà Hiền đánh giá.
Đáng ngại hơn ở những gia đình thành thị, nhiều khi bố mẹ mải miết đi kiếm tiền nên sẽ thuê giúp việc làm việc nhà và chăm sóc con cái. Bên cạnh mặt tích cực là giải phóng sức lao động cho những người phụ nữ thì điều này vô hình trung tạo ra thói quen “được phục vụ” của trẻ.
Cơm có người nấu sẵn, đôi khi nước cam, sữa được bê lên tận phòng phục vụ những “cô, cậu chủ”. Quần áo cũng có giúp việc giặt, phơi, cất. Nhà cũng giúp việc lau dọn. Thậm chí có những trẻ khi đi học về là có người giúp việc xách cặp ngay từ điểm đón.
“Con được phục vụ tận nơi những việc chăm sóc cá nhân hay bất kỳ việc nào khác sẽ hình thành tư duy được phục vụ. Từ đó, trẻ luôn cho rằng bản thân là người được quyền có mọi thứ từ người khác và quẫy đạp để không cần phân biệt đúng sai, ảnh hưởng đến ai mà chỉ cần mình có thứ mình muốn là được.
Những đứa trẻ này cũng trở nên thụ động, chậm chạp từ não bộ đến hành vi và chỉ sự tiêu cực là phát triển nhanh mà thôi”, chuyên gia Phạm Hiền phân tích.
Suy nghĩ của hầu hết các bố mẹ Việt là luôn “hy sinh” tất cả cho con, luôn cho con được nhiều hơn, ngon hơn, tốt hơn, với quan niệm: Mình khổ mãi quen rồi, giờ chúng khác. Cố gắng cho chúng có cái áo đẹp, cái mũ mới, có xe đẹp cho giống bạn hàng xóm. Hoặc em bé thì anh lớn phải nhường em…
Nhưng với góc nhìn của các chuyên gia tâm lý, đây là hành vi hết sức sai lầm của các bậc làm cha mẹ. Bởi điều này sẽ hình thành tư duy con được ưu tiên, dẫn đến suy nghĩ ích kỷ. Trẻ sẽ không thèm quan tâm đến ai, mọi thứ phải là của mình trước tiên.
“Những đứa trẻ này thường sẽ nhận thức và hành động hiếu thắng, ganh đua, đố kỵ và luôn thấy bất công nếu không đạt được sự ưu tiên hay cho bản thân là số 1”, bà Hiền đánh giá.
Một sai lầm khác mà các bậc phụ huynh hay mắc phải đó là luôn coi “con mình là nhất”, “con mình luôn đúng”, vì thế thường giành cho con sự ngợi khen, đôi khi là bênh vực nếu ai đó chê bai, phàn nàn.
Điều này sẽ hình thành tư duy mình là số một mà coi thường mọi vấn đề. “Trẻ rất dễ, ngộ nhận chủ quan”, chuyên gia Phạm Hiền nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia tâm lý này, những đứa trẻ được sống trong “bọc điều” như thế rất dễ không lắng nghe, luôn cho mình là đúng, cho mình là giỏi nên không cần học hỏi.
"Rõ ràng, không có đứa trẻ nào không thể tự mặc quần áo, dọn giường, gấp chăn, tự lo cho bản thân những việc cơ bản. Một đứa trẻ tự lập từ nhỏ sẽ "biết ơn" người khác khi được giúp đỡ các việc mà lẽ ra mình phải tự làm, chúng không xem đó là trách nhiệm người khác phải làm cho chúng.
Điều này giúp chúng trở nên dạn dĩ, biết tự chịu trách nhiệm với bản thân và không trông cậy vào người khác quá nhiều khi ra xã hội.
Vấn đề đặt ra không phải ở chỗ "chúng có làm được các việc đó hay không?", mà ở chỗ chúng tiếp nhận vấn đề trách nhiệm với bản thân, với cuộc đời mình như thế nào”, chuyên gia Phạm Hiền bày tỏ.
H. Anh
Có con gái mê viết 'tình thư', mẹ lịm tim vì hạnh phúc
Gửi cho nhau những lời “ngôn tình” viết tay, vì chúng ta không chỉ lãng mạn mà còn yêu thương nhau...