Cổ phiếu thép vọt tăng trong tuần qua, tỷ phú Trần Đình Long có thêm 3 nghìn tỷ đồng
Sau năm tuần giảm điểm liên tiếp, thị trường đã có sự hồi phục trở lại trong tuần giao dịch vừa qua (10-14/10) sau khi chỉ số VN-Index test thành công với ngưỡng hỗ trợ tâm lý mạnh quanh 1.000 điểm trong phiên 11/10 và hồi phục trở lại trong ba phiên cuối tuần. Số điểm được hồi phục một phần giúp giải tỏa tâm lý cho các nhà đầu tư trong bối cảnh hiện tại.
Thanh khoản trong tuần qua xấp xỉ so với tuần giảm điểm mạnh trước đó và ngang với mức trung bình 20 tuần. Điều này cho thấy là lực cầu bắt đáy đã xuất hiện và dòng tiền đang có dấu hiệu quay trở lại thị trường.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 25,94 điểm (+2,5%) lên 1.061,85 điểm, HNX-Index tăng 1,8 điểm (+0,8%) lên 227,89 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 2,8% so với tuần trước đó lên 62.767 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 3,2% lên 2.909 triệu cổ phiếu.
Giá trị giao dịch trên HNX giảm 11,4% so với tuần trước đó xuống 4.748 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 3,5% xuống 300 triệu cổ phiếu.
Thị trường hồi phục khá tốt trong tuần qua giúp cho hàng loạt các nhóm ngành trụ cột có sự quay trở lại.
Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu có diễn biến tích cực nhất trong tuần qua với mức tăng 7,6% giá trị vốn hóa, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự hồi phục của các cổ phiếu thuộc ngành thép như HPG của Tập đoàn Hoà Phát tăng 10,5%, HSG của Tập đoàn Hoa Sen tăng 19,9%, NKG của Tập đoàn Nam Kim tăng 14,9%,...
Lý giải về “hiện tượng” cổ phiếu thép trong những phiên giao dịch gần đây, các chuyên gia phân tích cho rằng cổ phiếu thép với 3 doanh nghiệp đầu ngành là HPG, HSG và NKG đã mất khoảng 55%-65% thị giá trong vòng 1 năm trở lại đây. Đây là cơ hội hiếm thấy do vậy đã kích hoạt dòng tiền tham gia bắt đáy đối với nhóm cổ phiếu này.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect đối với cổ phiếu HPG, việc giá thị trường xuống ngang bằng với giá trị sổ sách là điều rất hiếm khi xảy ra, trừ những giai đoạn nền kinh tế đứng trước suy thoái hay khủng hoảng nghiêm trọng như Covid-19, hay giai đoạn 2011-2012.
Theo Công ty Chứng khoán Agriseco, với việc đã giảm trước nhiều loại hàng hóa khác, giá thép có thể sẽ khó giảm mạnh nữa mà thiên về khả năng đi ngang. Thậm chí giá thép có thể tăng trở lại khi Trung Quốc mở cửa, thị trường nhà ở sôi động trở lại dẫn đến nhu cầu vật liệu xây dựng tăng.
Trong báo cáo mới đây về ngành thép, Công ty Chứng khoán VCBS dự báo giá thép sẽ hồi phục trong nửa cuối 2023 sau khi giảm về mặt bằng giá thấp hơn hiện tại, nguyên nhân đến từ việc các chính sách kích thích cần thời gian để thể hiện rõ tác động giúp vực dậy nhu cầu đang rất yếu của thị trường Trung Quốc.
Với việc giá cổ phiếu HPG tăng mạnh 10,5% trong tuần qua, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát, ông Trần Đình Long, bỏ túi hơn 2.800 tỷ đồng nhờ sở hữu hơn 1,5 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương 26,077% lượng cổ phiếu đang lưu hành của Hoà Phát. Hiện giá trị cổ phiếu của người đàn ông đứng trong Top 6 người giàu nhất trên sàn chứng khoán là 30.000 tỷ đồng. Trong khi đó, bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long, cũng đang sở hữu hơn 426 triệu cổ phiếu HPG trị giá 8.300 tỷ đồng.
Còn tại HSG của Chủ tịch Lê Phước Vũ, với mức giá đóng cửa tuần 14.150 đồng/cp của HSG, giá cổ phiếu của doanh nghiệp này tăng mạnh 19,9% trong tuần qua giúp ông Vũ có thêm hơn 500 tỷ đồng.
Doanh nhân Lê Phước Vũ hiện sở hữu trực tiếp 101,792 triệu cổ phiếu HSG, tương ứng 17,02% vốn điều lệ của Hoa Sen. Ngoài ra, ông Vũ gián tiếp sở hữu 19,87% vốn điều lệ thông qua Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen. Tính chung trong tuần vừa qua, giá trị tài sản của Chủ tịch Lê Phước Vũ (trực tiếp và gián tiếp) tại Tập đoàn sản xuất tôn mạ lớn nhất Việt Nam là 3.122 tỷ đồng, tăng hơn 518 tỷ đồng so với tuần trước đó.
Còn tại NKG của Chủ tịch Hồ Minh Quang, giá cổ phiếu này đã tăng thêm 14,9% trong tuần vừa qua giúp cho ông Quang có thêm 70 tỷ đồng, nâng giá trị cổ phiếu NKG do ông sở hữu lên 540 tỷ đồng.
Ông Hồ Minh Quang hiện sở hữu hơn 31,15 triệu cổ phiếu NKG, tương đương tỷ lệ 11,84% vốn điều lệ, đồng thời là cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp.
Tập đoàn Thép Nam Kim của ông Hồ Minh Quang có mối quan hệ mật thiết với một doanh nghiệp cùng ngành là CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA) của doanh nhân gốc Hoa Trần Xảo Cơ. Ông Trần Xảo Cơ (SN 1948) nguyên quán Quảng Đông, Trung Quốc, là Chủ tịch HĐQT Công ty HLA, đồng thời cũng chính là bố vợ ông Hồ Minh Quang.
Ông Cơ hiện sở hữu 10,11% vốn điều lệ tại HLA, đồng thời đại diện cho CTCP Minh Hữu Liên (công ty con của HLA) sở hữu 23% vốn điều lệ tại Hữu Liên Á Châu. Bà Trần Uyển Nhàn (vợ ông Quang) cùng hai người anh em ruột hiện cũng đang sở hữu lượng cổ phần tại HLA. Tuy nhiên, với giá trị của cổ phiếu HLA hiện chỉ còn 700 đồng/cp (cổ phiếu đang bị hạn chế chuyển nhượng), tổng giá trị tài sản của gia đình doanh nhân gốc Hoa này tại HLA là không lớn nếu tính theo thị giá.
Hiền Anh