Gần 6,5 tỷ USD vốn ODA cho VN
Thông tin trên được đưa ra tại phiên bế mạc hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2012 chiều 10/12.
Hội nghị CG lần này sẽ là hội nghị cuối cùng được tổ chức theo mô hình được thiết kế từ 20 năm trước, chủ yếu để phục vụ cho diễn đàn huy động nguồn lực ODA. |
Đây là năm thứ ba cam kết ODA dành cho Việt Nam theo chiều đi xuống, từ mức cam kết kỷ lục 8 tỷ USD hồi 2009, xuống 7,9 tỷ USD năm 2010, rồi đến 7,3 tỷ USD năm 2011.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đây là con số không nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang trong thời kỳ khó khăn. Trước đó, trong bài phát biểu sáng cùng ngày, ông cũng thừa nhận 2012 là một năm mà kinh tế Việt Nam phải đối diện với những thách thức cả trong và ngoài nước.
“Những hệ quả của thời kỳ tăng trưởng dựa vào chiều rộng, đặc biệt, sự mở rộng quá mức về tín dụng, đầu tư và hoạt động đầu cơ vào các tài sản phi sản xuất, cũng như việc dồn nguồn lực của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp để chống đỡ các khó khăn của năm 2011 khiến cho nguồn lực và công tác điều hành năm 2012 trở nên phức tạp”, ông Vinh nói. Ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để có được các kết quả hiện nay như GDP dự kiến đạt 5,2%, lãi suất giảm so với đầu năm, lạm phát được kiềm chế ở mức 7,5% và thanh khoản của hệ thống tín dụng được cải thiện đáng kể.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bày tỏ sự lo lắng khi 2013 có thể vẫn là một năm khó khăn không chỉ đối với Việt Nam mà với cả các quốc gia viện trợ: “Chính phủ Việt Nam hiểu rằng các nhà tài trợ cũng cần cân nhắc rất kỹ việc phân bổ tài trợ của mình trong bối cảnh khuôn khổ ngân sách ngày càng chặt chẽ, song Việt Nam mong muốn cộng đồng tài trợ quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam vì đây vẫn sẽ là nguồn vốn quan trọng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo và đầu tư phát triển”.
Về phía nhà điều phối tài trợ, tại phiên họp của CG sáng 10/12, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa đã “chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng về ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2012”. Theo đánh giá của WB, kết quả này là “nhờ có việc nhận định rằng ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên quan trọng, nhờ có cam kết chính trị mạnh mẽ đã giúp tạo ra những hành động quyết đoán”.
Tuy nhiên, WB cũng nhấn mạnh rằng xu hướng tăng trưởng tiếp tục giảm xuống trong những năm qua với kết quả năm nay là tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1999, cho thấy nền kinh tế đang “mất đi một số động lực mà những cản trở về cơ cấu đã và đang làm ảnh hưởng đến tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”.
Theo bà Victoria Kwakwa, nếu không có những giải pháp quyết đoán, thì chi phí để giải quyết những thách thức hiện nay của nền kinh tế sẽ cao vì ở một số nước, chi phí giải quyết khó khăn trong khu vực tài chính có thể cao đến mức 30-40% GDP.
“Không có giải pháp kiên quyết, Việt Nam cũng có khả năng gặp rủi ro rơi vào bẫy thu nhập trung bình với năng lực cạnh tranh thấp, với khả năng quay trở lại tình hình bất ổn định tái diễn làm nghiêm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng trong xã hội”, bà nói và nhấn mạnh thêm là “hy vọng Việt Nam sẽ không đi vào con đường này”.
“Các hành động quyết đoán và tin cậy có thể thu hút các nguồn lực tư nhân cần thiết để bổ sung các nguồn lực hiện có của Chính phủ và đó là nội dung mà chúng tôi và các đối tác phát triển có thể thảo luận để giải quyết những thách thức này”, bà nói thêm.
Hai vấn đề mà người đứng đầu WB Việt Nam nhấn mạnh chính là nguồn nhân lực và quản lý đất đai. Đối với vấn đề nguồn nhân lực, Việt Nam cần xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng dịch chuyển từ năng suất thấp, giá trị thấp sang năng suất và giá trị cao hơn.
Trong khi đó, việc quản lý các nguồn lực đất đai hạn chế của Việt Nam cũng rất quan trọng đối quá trình phát triển của Việt Nam trong tương lai. “Chúng tôi hy vọng những điểm này sẽ được thể hiện trong Luật Đất đai mới sẽ được thông qua vào năm 2013”, bà nói thêm.
Các khó khăn, thách thức nêu trên đòi hỏi Chính phủ phải điều hành linh hoạt, hiệu quả hơn, một mặt tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong ngắn hạn, mặt khác phải tích cực chuẩn bị các điều kiện đạt tăng trưởng cao hơn trong năm 2013 và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Tham dự CG, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 2013, Chính phủ sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu như tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP cao hơn và lạm phát thấp hơn năm 2012.
Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững; từng bước nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; cải thiện môi trường kinh tế, xã hội để thu hút các nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển. Tạo nền tảng cho phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
"Việt Nam tự tin vào những chính sách, biện pháp điều hành của mình, bước vào năm 2013 với quyết tâm mạnh mẽ và niềm tin vững chắc sẽ vượt qua thách thức, đạt kết quả phát triển cao hơn, tạo đà cho phát triển bền vững thời gian tới", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Hội nghị CG lần này sẽ là hội nghị cuối cùng được tổ chức theo mô hình được thiết kế từ 20 năm trước, chủ yếu để phục vụ cho diễn đàn huy động nguồn lực ODA. Hiện nay hầu hết các đối tác phát triển đã có những cam kết và thảo luận ODA riêng, nên chức năng huy động nguồn lực của CG đã không còn phù hợp.
Từ năm tới, CG sẽ được tổ chức với hình thức mới là một diễn đàn đối thoại mở rộng và hợp lý giữa Chính phủ và các đối tác về phát triển của Việt Nam.
Lan Anh