Gầm giường, hành lang bệnh viện cũng không còn chỗ chen
Gầm giường, hành lang bệnh viện cũng không còn chỗ chen
Hành lang, gầm cầu thang, thậm chí gầm giường tại các bệnh viện (BV) lớn được tận dụng để cho người bệnh nằm điều trị, người nhà bệnh nhân nghỉ ngơi và chờ đợi.
Khảo sát của PV tại các bệnh viện lớn BV Nhi Trung ương, BV Bạch Mai, BV Phụ sản Trung ương, BV K… cảnh quá tải xảy ra từ vòng gửi xe. Người đến bệnh viện đầu giờ sáng phải chen chân trong các nóng ngột ngạt từ bãi gửi xe, tiếp đến là xếp hàng chờ mua phiếu khám, chờ khám theo thứ tự, khi nằm điều trị thì được xếp ghép giường 3 -4 người/giường… Cảnh người nhà bệnh nhân chờ đợi, người ngồi, người nằm ngổn ngang hành lang, góc sân bệnh viện với đồ đạc lỉnh kỉnh trở thành nỗi ám ảnh với những ai đã từng phải nằm điều trị nội trú.
Ông Vũ Tiến Dũng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ BV Bạch Mai cho biết: BV Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt lớn nhất miền Bắc với 2 viện, 8 trung tâm, 21 khoa lâm sàng, 6 khoa cận lâm sàng, 1 trường trung học y tế với nhiều chuyên khoa đầu ngành.
Tình trạng quá tải thường xuyên xảy ra ở các bệnh viện |
Mỗi ngày, BV Bạch Mai đón tiếp hơn 3.000 bệnh nhân điều trị nội trú, khoảng 10.000 lượt người ra, vào. Vì vậy tình trạng quá tải là không thể tránh khỏi. Ở các BV lớn hiện nay, bệnh nhân nằm ghép, bệnh nhân nằm ngoài hành lang, chui gầm giường nằm diễn ra như cơm bữa, chuyện bệnh nhân nằm ghép từ 3-4 người/giường đã không còn là hiếm.
Bác Thịnh (Gia Lâm, Hà Nội), một người nhà bệnh nhân điều trị tại BV Bạch Mai phàn nàn với PV: "đông quá, đến người nhà bệnh nhân kiếm một chỗ thở cũng còn khó khăn nữa là nói chi đến người bị bệnh. Tình trạng quá tải bệnh viện thời gian qua là nỗi ám ảnh đối với những ai đến viện điều trị như chúng tôi. Thậm chí, ngay cả khi muốn vào... gầm cầu thang ngồi tôi cũng phải chen chân vì người bệnh nằm ngồi la liệt".
Theo bác Thịnh, không chỉ bệnh viện quá tải mà các dịch vụ “ăn theo” cũng đắt đỏ từ gửi xe, uống cốc nước, ăn cơm, thuê quần áo… Đấy là chưa kể người ngoại tỉnh, phải thuê trọ qua đêm, chi phí càng tốn kém.
Tại BV Nhi Trung ương, gia đình chị Thắm (Bắc Giang) ngồi vật vờ từ tờ mờ sáng để chờ khám cho con. Chị Thắm than vãn "gia đình em khăn gói từ đêm bắt xe về Hà Nội để kịp vào viện sếp số khám bệnh… Giờ là 9h vẫn chưa đến lượt. Chen chân vào đến đây cũng thực sự rất mệt mỏi, tờ mờ sáng mà đã thấy người đông như kiến rồi".
Ở BV Nhi Trung ương có đặc điểm là vào những thời điểm thời tiết chuyển mùa, nắng nóng, hoặc rét đậm, thời điểm các bệnh lây bùng phát như tay chân miệng, sốt xuất huyết, bệnh do thời tiết, thì tình trạng quá tải còn nghiêm trọng hơn, hàng trăm bệnh nhân cùng người nhà nằm ngổn ngang ở các dãy hành lang, giường gấp di động.
Theo thống kê của BV Viện nhi Trung ương, những ngày đông số trẻ em nhập viện lên đến 2.000 trẻ, trong khi quy mô phòng khám của BV chỉ phục vụ cho khoảng 400 bệnh nhi.
Chị Nguyễn Thị Khanh (Hưng Yên) cùng con nằm viện hơn một tuần cho biết, "Cháu nhà tôi bị sốt xuất huyết, phải vào viện nằm điều trị. Cháu phải nằm ghép giường với 3 trẻ nhỏ khác, nhưng phải chấp nhận để mong sớm chữa khỏi bệnh. Trời mát thì còn đỡ, chứ gặp đúng trời nóng 37 – 38 độ C thì còn khổ nữa.
Bệnh nhân, người chăm sóc nằm la liệt dưới gầm giường bệnh viện không còn là cảnh hiếm gặp. |
“Cảnh người chen chúc khám chữa bệnh, nằm chung giường, gặp thời tiết nóng, tôi thấy ngột ngạt vô cùng… Đúng là không gì khổ bằng như đi khám bệnh. Nhưng biết làm sao được vì có bệnh thì phải vái tứ phương, dù chật đến mấy, khổ đến mấy người bệnh vẫn phải chen chân mà vào viện” – Chị Khanh cho biết.
Theo báo cáo thì hầu hết các BV Nhi Trung ương, BV K, Bạch Mai, BV Phụ sản trung ương chịu cảnh quá tải từ 110% đến 200% công suất.
Cá biệt như tại BV K, công suất sử dụng giường bệnh khi đưa ra con số khiến nhiều người hốt hoảng: Khoa Tia xạ tổng hợp công suất 365%, Ngoại phụ là 364%, Ngoại Tam Hiệp là 341%, Tia xạ đầu cổ là 318%, Ngoại vú là 315%.... Chung giường, nằm ghép là "căn bệnh mãn tính" ở hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương, công suất sử dụng giường bệnh luôn cao hơn nhiều lần so với số giường bệnh hiện có.
Từ thực trạng quá tải, ngành y tế đưa ra nhiều giải pháp xây bệnh viện vệ tinh, đề án 1816, xã hội hóa công tác khám chữa bệnh, mở bệnh viện tư nhân, phòng khám theo yêu cầu… tuy nhiên, quá trình thực hiện bộc lộ nhiều hạn chế.
Bài 2: Đắt "cắt cổ" như phòng khám dịch vụ bệnh viện công
Nguyễn Hiếu