Em bé 1 tuổi nuốt mặt dây chuyền vào bụng, bác sĩ cảnh báo ti tỉ thứ nhỏ bé quen thuộc mà cha mẹ cho con chơi
Đây là một trường hợp rất khẩn cấp, nếu không kịp thời gắp dị vật, có thể dị vật sẽ gây ra tình trạng tắc ruột, ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ.
Mặt dây chuyền được các bác sĩ lấy ra từ dạ dày bệnh nhi (ảnh: BVCC) |
19h ngày 21/6, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận trường hợp bệnh nhi Phạm Trung Đ. (1 tuổi), thường trú tại Cẩm Phả, Quảng Ninh.
Trẻ nhập viện trong tình trạng nuốt dị vật khi đang nằm chơi cùng chị. Kết quả khám lâm sàng và chụp XQ cho thấy hình ảnh dị vật cản quang vị trí tương ứng dạ dày trẻ.
Theo thông tin từ người nhà bệnh nhân, tầm 18-19h tối 21/6, bé Phạm Trung Đ.(01 tuổi) đang nằm chơi đùa với chị thì vô tình đưa dây chuyền lên mồm cắn đứt dây rồi nuốt vào bụng. Ngay lập tức, người nhà đã đưa bé đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh để được cấp cứu.
Sau khám lâm sàng và chụp XQuang thấy hình ảnh dị vật trong dạ dày, trẻ được các bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày gây mê cấp cứu gắp dị vật. Sau khoảng 5 phút, dị vật được lấy ra là chiếc mặt dây chuyền kim loại.
Hiện tình trạng sức khỏe của bé đã ổn định, có thể vui chơi bình thường.
Bs Phạm Đăng Hùng cho biết, đây là một trường hợp rất khẩn cấp, nếu không kịp thời gắp dị vật, có thể dị vật sẽ gây ra tình trạng tắc ruột, ảnh hưởng đến sức khoẻ trẻ.
Qua trường hợp này, các bác sĩ nhắc nhở cha mẹ rằng, các bé thường rất hiếu động và không lường trước được nguy cơ hóc dị vật nên tình trạng này rất thường xảy ra.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai thì nguyên nhân của tình trạng trẻ hóc dị vật là do sự bất cẩn của người lớn.
Qua thực tế điều trị, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay có những bé được cứu sống, phục hồi tốt nhưng có những trẻ không may mắn, bị biến chứng não, thậm chí tử vong trước khi đến viện.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo người lớn không được để trẻ nhỏ chơi hoặc cầm các đồ vật có nhiều chi tiết nhỏ hoặc các loại thực phẩm dễ gây hóc như lạc, thạch, nhãn, chôm chôm…
Đối với trẻ chẳng may bị hóc dị vật, người lớn cần thực hiện ngay thủ thuật Heimlich để lấy dị vật. Đây được xem như thủ thuật tạo ra “thời gian vàng” để cấp cứu khi trẻ bị hóc mà người lớn cần phải biết.
Thủ thuật đẩy dị vật khỏi đường thở của trẻ |
Nguyên tắc của thủ thuật này là tạo ra một lực tác động mạnh, đột ngột vào 2 buồng phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, mục đích tạo ra một áp lực lớn đột ngột trong đường hô hấp đẩy dị vật ra ngoài. Nếu dị vật không bắn ra cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý, cha mẹ cần chú ý không nên ép con ăn lúc đang khóc hoặc cười vì rất dễ bị sặc. Nếu trẻ vô tình nuốt phải dị vật nhọn thì nên đưa đi cấp cứu ngay, tránh móc họng bé vì cách làm này có thể khiến dị vật càng mắc sâu hơn. Do đó, người nhà nên đặc biệt chú ý khi bé đang ăn, cầm, nắm hoặc chơi các vật có thể gây hóc.
N. Huyền