Duyên và nghiệp với nghề công tác xã hội
Chị là Lê Thị Cặn (quê xã Hòa Tâm, Đông Hòa), hộ lý lâu năm nhất ở Trung tâm (hơn 19 năm) tâm sự: “Nhiều cháu bị bỏ rơi ngay từ mới lọt lòng mẹ, lại mang trên mình những chứng bệnh ngặt nghèo như bại não, đao, tàn tật nên càng thương hơn".
Chăm sóc người khuyết tật tại Trung tâm nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hội |
Với những điều dưỡng, hộ lý chăm sóc cho đối tượng là người già, tâm thần cũng cực không kém. Phải lau dọn vệ sinh, lo cho họ từ miếng ăn, giấc ngủ, thuốc men lúc khó ở trong người. Hơn nữa, người già tính khí rất thất thường, buồn vui, hờn giận, tủi thân vì thiếu thốn tình cảm. Chị Nguyễn Thị Chỉnh, ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) chia sẻ bí quyết để có thể “chịu đựng”: “Cứ coi các cụ như người thân của mình, chia sẻ yêu thương, tình cảm sẽ cảm thấy công việc nhẹ nhàng hơn”.
Hay trường hợp bác sĩ Huỳnh Tuy Viễn. Anh xin việc vào Trung tâm khi những ngày đầu mới tốt nghiệp Y sĩ, cũng chỉ nghĩ làm thời gian ngắn để rồi tìm chỗ tốt hơn. Vậy nhưng khi vào đây, cái duyên công việc đã níu chân anh Y sĩ trẻ quê Sơn Thành, rồi anh lấy vợ ở gần Trung tâm cho tiện công việc.
Ông Đinh Viết Hậu, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Ở Trung tâm này tất các đối tượng đều cần một chế độ chăm sóc đặc biệt, bởi hầu như ai cũng có vấn đề về sức khỏe. Hiện tại Trung tâm đang nuôi dưỡng 65 đối tượng thì hơn phân nữa là ốm đau, tàn tật. Công việc cực nhọc nên rất nhiều người đến đây thử việc vài ngày rồi rút lui lặng lẽ. Người kiên trì nhất thì vài tháng cũng không kham nổi”.
Công việc là vậy, nhưng thu nhập của họ rất khiêm tốn, chỉ ở mức lương cơ bản theo quy định của Nhà nước mà không có bất cứ một khoản trợ cấp nào. Ông Trần Văn Thống, Giám đốc Trung tâm nói: "Những người làm việc ở đây nếu không phải có “duyên nghiệp” mà chỉ vì đồng lương kiếm sống chắc không có ai trụ được. Chúng tôi vừa trình lên tỉnh cho áp dụng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề theo Nghị định 56 của Chính phủ cho các đối tượng công chức, viên chức công tác tại cơ sở công lập, những mong cải thiện, cũng là bù đắp thiệt thòi, động viên những người làm trực tiếp công việc chăm sóc, muôi dưỡng”. Hiện nay, trung tâm nuôi dưỡng 65 người. Trong đó, 7 người là đối tượng chính sách, 41 người là đối tượng xã hội, 17 trẻ mồ côi, tàn tật.
Chị nuôi trẻ nhất Trung tâm là Nguyễn Thị Nhanh, bây giờ là điều dưỡng viên của Trung tâm. 30 năm về trước, Nhanh là một trong những đối tượng được bảo trợ. Là con của người mẹ bị bệnh tâm thần, nên cha ruồng bỏ. Hai mẹ con sống nhờ bà ngoại già không còn sức lao động. Cũng may, bà ngoại là mẹ liệt sĩ, cả ba bà cháu Nhanh được chính quyền đưa vào sống ở Trung tâm. Cô bé Nhanh lớn lên như cây cỏ, lau sậy nhờ tình thương của các mẹ ở Trung tâm. Năm Nhanh được 12 tuổi thì cả bà và mẹ đều ra đi. Trước cảnh con trẻ mồ côi không còn chỗ dựa, Ban Giám đốc trung tâm quyết định cưu mang Nhanh và cho ăn học.
Mặc dù tốt nghiệp ngành du lịch, nhưng Nhanh không đi làm hướng dẫn viên hay chọn công việc gì đó nhẹ nhàng mà cô quay trở lại Trung tâm xin làm điều dưỡng. “Nơi đây đã nuôi mình lớn lên, nên người bây giờ là lúc đáp nghĩa cuộc đời” - cô bộc bạch.
Tuyên truyền Đề án phát triển nghề Công tác xã hội (Đề án 32)