Được ưu ái, ngân hàng lớn chây ì trả nợ
Được ưu ái, ngân hàng lớn chây ì trả nợ
Báo cáo công bố sáng 18/7 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, sự ưu ái quá mức của cơ quan quản lý tiền tệ đã dẫn tới nhiều sai phạm không đáng có tại các nhà băng lớn, làm gia tăng dư nợ vay tái cấp vốn của các NHTM.
Lợi dụng nguồn vốn rẻ từ NHNN, nhiều đại gia NH đã không cơ cấu lại các khoản đầu tư để trả nợ đúng hạn |
Năm 2010 tổng số nợ gia hạn là 68.250 tỷ đồng, chiếm 58% tổng doanh số cho vay, nhưng việc gia hạn nợ lại không đúng quy định. Có những khoản vay thời hạn 90 ngày được gia hạn đến lần thứ 4, làm thời gian cho vay kéo dài 389 ngày, trong khi theo quy định thời gian cho vay không quá 1 năm và thời gian gia hạn không vượt quá thời gian cho vay lần đầu.
"Ông lớn" Vietinbank bị nhắc nhở về việc gia tăng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng và vay NHNN làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Cụ thể, năm 2010 tổng nguồn vốn huy động trên thị trường 2 và huy động khác là 133.781 tỷ đồng, tăng 61.940 tỷ đồng so với năm 2009 (tương đương tăng 86,2%) và chiếm 39,38% tổng nguồn vốn huy động của Vietinbank.
NH này cũng đã tăng các khoản đầu tư chứng khoán tại các tổ chức tín dụng và tổng công ty. Chứng khoán nợ do các TCTD trong nước phát hành tăng hơn 4.900 tỷ đồng so với 2009 (Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam tăng 1.000 tỷ đồng, NH Chính sách Xã hội tăng 1.000 tỷ đồng, NH Liên doanh Indovina tăng 1.250 tỷ đồng...).
Ngoài ra, một số "ông lớn" trong lĩnh vực tài chính ngân hàng vẫn vi phạm quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Đơn cử, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Vietcombank trong các tháng đầu năm 2010 thấp hơn 8% (tháng 1 là 6,8%, tháng 2 là 6,5%, tháng 3 là 7,6%...). Tình hình tuy có cải thiện vào cuối năm 2010 nhưng vẫn thấp hơn mức quy định 9% của NHNN (tháng 10 là 6,73%, tháng 11 là 6,28% và tháng 12 là 7,03%).
Về quản lý và sử dụng tài sản, nguồn vốn, dù các NH đã kiểm kê, đối chiếu và đảm bảo an toàn kho quỹ, nhưng Vietcombank chưa xây dựng định mức đối với số dư tiền gửi tại các NH đại lý ở nước ngoài, còn xảy ra tổn thất tại các máy ATM và thẻ tín dụng.
Tại một số thời điểm, NH Phát triển Việt Nam (VDB) huy động vốn vượt quá nhu cầu vay nên phải gửi tại các NHTM. Vietinbank chưa theo dõi đầy đủ tài sản cố định là quyền sử dụng đất, tài sản cố định đã bàn giao hoặc điều chuyển không được theo dõi, hạch toán tăng giảm trên sổ kế toán...
Trong hoạt động đầu tư, góp vốn liên doanh liên kết đạt hiệu quả thấp, một lần nữa tên của "ông lớn" lại được điểm mặt. Như khoản góp vốn của Vietcombank vào Tổng công ty Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn bị suy giảm gần 90% giá trị (giá trị thực vốn góp 138 tỷ đồng, nhưng tới ngày 31/12 chỉ còn 23 tỷ đồng). Hay hợp đồng ủy thác đầu tư với PIMCO ngày 21/8/2008 đầu tư 350 triệu USD thời hạn 2,5 năm, thu lãi 2,5 triệu USD trong 2,5 năm tương đương lãi suất 0,285%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm...
Hay khoản góp vốn của VDB và cho Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam vay tiềm ẩn nhiều rủi ro... khiến NH này lỗ 18,1 tỷ đồng, nợ quá hạn là 438 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV mua bán nợ Việt Nam (DATC) cũng chịu chung điều tiếng khi số gửi tiền tại Công ty cho thuê tài chính II (ALCII)- NH Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam trị giá110 tỷ đồng, song đã quá hạn trên 2 năm nhưng chỉ thu được 12,68 tỷ đồng tiền lãi, nguy cơ mất vốn ước tính trên 70 tỷ đồng.
Năm 2010, các ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng là 31,19% và vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết Chính phủ 6,19%, gây áp lực cho mục tiêu kiểm soát lạm phát. Đáng lưu ý, Vietinbank có tốc độ tăng trưởng tín dụng tới 43,5%. Năm 2010 cũng là năm tăng trưởng tín dụng chứng khoán cao, lên tới 40,93% trong khi cho vay bất động sản là 28,11%.
Tỷ lệ nợ xấu tại các "đại gia" NH vì thế cũng tăng so với năm 2009 (2,05%) và chiếm 2,19% tổng dư nợ. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu năm 2010 của Vietcombank là 2,19% cao hơn năm 2009 (2%); Vietinbank là 1,27% tăng 0,66% so với cùng kỳ năm trước và của VDB là 12,45%...
Trường Giang