Được học nghề, nông dân sản xuất nông sản an toàn hơn
Lý giải về thực trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm của nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm hiện nay ở Việt Nam, TS Phạm Thanh Hải và nhóm nghiên cứu của Trường Cao đẳng NNPTNT Bắc Bộ cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chưa kiểm soát an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản theo chuỗi giá trị. Việt Nam hiện vẫn còn thiếu các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển chuỗi thực phẩm an toàn.
Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lều Vũ Điều (trái) và TS Helmut Born thăm mô hình trồng chè an toàn của ND huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). |
Theo bà Nguyễn Thị Loan - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ND, nông thôn (T.Ư Hội NDVN), ND hoàn toàn có thể nắm bắt và thực hành tốt những quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn nếu được tổ chức học nghề bài bản. Bà Loan lấy thực tế từ các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ mà Hội xây dựng được trong những năm qua dưới sự tài trợ của ADDA (Đan Mạch).
“Điểm đáng chú ý là các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ này đã gắn với việc kiểm soát chất lượng nông sản theo chuỗi giá trị; liên kết với thị trường, bước đầu hình thành các kênh tiêu thụ... Có kết quả này, trước đó ND được đào tạo kiến thức, kỹ năng về sản xuất nông nghiệp hữu cơ bài bản”.
Thực phẩm an toàn - kinh nghiệm từ Đức
Cuối tuần qua, đoàn Hội ND Liên bang Đức (DBV) do TS Helmut Born - Tổng Thư ký dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc với T.Ư Hội NDVN. Trong thời gian làm việc, các chuyên gia của DBV đã chia sẻ kinh nghiệm dạy nghề cho ND, chủ trang trại gắn với chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm.
Ông Oliver Thelen - chuyên gia về quản lý an toàn thực phẩm của DBV cho biết: “Từ năm 2001 đến nay, DBV xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn kiểm định chất lượng thực phẩm QS. Để đạt được chứng nhận kiểm định QS, các chủ trang trại, cơ sở chế biến, doanh nghiệp tiêu thụ phải đạt được hàng loạt các chỉ tiêu, từ nguồn thức ăn nguyên liệu tới thực hành chăn nuôi, trồng trọt, bán buôn, bán lẻ. Đương nhiên, DBV cũng phải tổ chức dạy nghề cho ND, chủ trang trại theo hướng gắn liền với việc thực hành QS”.
Theo TS Helmut Born, chính tổ chức dạy nghề cho ND gắn với thực hành tiêu chuẩn QS đã góp phần giúp nước Đức nhanh chóng vượt qua các cuộc khủng hoảng về chất lượng thực phẩm như vụ bò điên năm 2001.
“Trong thực hành nông nghiệp, Việt Nam có thể áp dụng ngay một số tiêu chuẩn của QS, các tiêu chuẩn khác có thể áp dụng sau. Tất nhiên, để có QS trong nông sản thực phẩm, trước đó ND phải được đào tạo, dạy nghề gắn với hệ thống kiểm định QS”- TS H. Born chia sẻ.