Dừng chương trình tiếng Anh Cambridge: Giảm tải áp lực học hành?
Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng, chương trình Tiếng Anh mới sẽ giảm áp lực cho học sinh và giảm giáo viên bản ngữ |
Trao đổi với PV, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, từ năm 2000, ngành giáo dục thành phố thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường và triển khai hệ thống đánh giá của Hội đồng khảo thí Cambridge (CIE) và hiện tại là Cambridge English.
Tuy nhiên, thời gian sau do nhu cầu phụ huynh cho con em học tiếng Anh ngày càng cao, Sở quyết định triển khai chương trình phổ thông Quốc tế của ĐH Cambridge.
“Theo đó, hiện có hơn 20 trường trên địa bàn giảng dạy chương trình này và kết quả được đánh giá rất rốt. Thế nhưng cũng trong quá trình thực hiện, chương trình này đã bộc lộ một số nhược điểm. Điển hình là việc, chương trình thuộc bản quyền của Cambridge buộc ta phải tuân thủ mọi yêu cầu mà không được phép điều chỉnh, bổ sung nội dung cho phù hợp với văn hóa Việt Nam và tâm sinh lý học sinh…
“Chúng tôi đã yêu cầu phía CIE cần điều chỉnh, tích hợp cho phù hợp song CIE không chấp nhận. Trong khi đó, học sinh gặp áp lực nặng nề khi học cùng lúc cả chương trình của Bộ GD&ĐT lẫn chương trình của Cambridge…”, ông Hoàng lý giải nguyên nhân việc ngưng chương trình của Cambridge.
Cũng theo ông Hùng, chương trình tiếng Anh mới do Sở xây dựng mang tính đặc thù “du học tại chỗ” nhưng lại thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, Sở đã có đoàn công tác đến Anh làm việc với bộ Giáo dục Anh xin chủ trương và được sự đồng ý. Đến nay nội dung chương trình đã được Sở và Bộ GD-ĐT thẩm định. “Quyết định này nhằm khắc phục hạn chế của CIE”, ông Hoàng khẳng định.
Sở GD&ĐT TP.HCM đưa thêm một số “bằng chứng” về sự “ưu Việt” của chương trình tiếng Anh mới như, lúc trước phải dạy 2 chương trình riêng biệt thì nay gộp vào dạy chung. Chẳng hạn, cùng một nội dung môn toán, chương trình của Bộ GD đã dạy rồi thì chương trình của Bộ Giáo dục Anh không dạy nữa, như thế học sinh sẽ học nhẹ nhàng hơn.
Còn xét về nội dung, nếu chương trình mới thiếu thì bổ sung, còn không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam thì bỏ đi. Qua đây ta cũng có thể giảm nhẹ yêu cầu về vật chất, đưa giáo viên Việt Nam vào tham gia giảng dạy.
Đặc biệt, sau này có thể giảm 50% giáo viên bản ngữ, tăng 50% giáo viên Việt Nam… Với lợi thế này, Sở có thể mở rộng hơn ra các vùng ven tại các trường có đủ điều kiện.