Đưa hàng đến tận nơi dập sốt giá
Nhiều mặt hàng Tết tăng giá từ 5 - 15%. Ảnh TN |
Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết, dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng công ty vẫn chuẩn bị một lượng hàng hóa cung ứng trước và sau Tết dồi dào, với tổng lượng hàng là 19.000 tấn. Trong đó, thực phẩm 5.500 tấn, đường 3.000 tấn, dầu ăn 1.000 tấn… Satra cũng khẳng định, nếu trên địa bàn TP có xảy ra tình trạng tăng giá cục bộ, kể cả những vùng sâu vùng xa như huyện Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè thì công ty đều có thể đưa hàng của mình đến tận nơi để dập cơn “sốt giá”.
Tương tự, bà Tôn Thanh Thủy, Giám đốc Công ty Phạm Tôn cho biết, công ty vẫn sẽ tăng gấp đôi sản lượng gà, thịt gia cầm các loại cho chương trình bình ổn giá, cụ thể là 1.700 tấn/tháng so với mức 850 tấn/tháng mà TP giao. Trong đó, giá bán sẽ được ổn định từ nay cho đến Tết.
Tuy nhiên, tại một số siêu thị, dù chưa đến Tết nhưng nhiều mặt hàng đã tăng giá cao. Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, hiện tại nhóm rau - củ - quả đã tăng giá tới 15%, tập trung ở nhóm rau Đà Lạt do thời tiết thất thường. Nhóm trái cây cũng biến động từ 5 – 10%, gồm có xoài, bưởi, cam, quýt… bởi bị mất mùa nên sản lượng cung ứng ra thị trường không nhiều. Thủy hải sản tăng từ 10 – 15%, chủ yếu là cá biển. Riêng mặt hàng trứng gia cầm, sau một thời gian biến động lớn về giá đã được cơ quan chức năng can thiệp kịp thời. Đến nay giá đã ổn định, 23.000 đồng/chục trứng gà, 30.500 đồng/chục trứng vịt, đợt sốt giá cao hơn 60 – 70%.
“Song, sức mua năm nay rất khó khăn, không sôi động như những năm trước nên chỉ kỳ vọng vào những ngày giáp Tết người dân có tiền thưởng thì sức mua sẽ tăng mạnh. Với nguồn hàng chuẩn bị tăng hơn 30%, nếu không bán hết sẽ chia cho nhân viên, chúng tôi có tới khoảng 12.000 nhân viên, chứ nhất định không để thành hàng tồn kho. Tuy nhiên, với việc dự trữ tốt và các chương trình khuyến mại, Tết này, chúng tôi vẫn dự báo doanh thu Tết năm nay sẽ tăng 20%”.
Ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho rằng, tháng 1 là tháng giáp Tết nhưng sức mua trên thị trường không cao, mặc dù các doanh nghiệp đều chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, chất lượng tốt, giá cả hợp lí cùng với việc tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi. Tuy nhiên do tình hình kinh tế khó khăn trong năm 2012 đã ảnh hưởng đến thu nhập người lao động, các hoạt động mua sắm, tiêu dùng không còn sôi động như mọi năm mà chỉ tập trung cho các nhu cầu thật sự thiết yếu. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 1/2013 đạt 52.741 tỉ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 21,5% so với cùng kỳ.
Ông Hiệp cho biết thêm, do chuẩn bị chu đáo và triển khai sớm chương trình bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 trên địa bàn TP nên chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 chỉ tăng 0,44% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ. Có 9/11 nhóm hàng có mức tăng giá so với tháng trước, trong đó 2 nhóm hàng liên quan nhiều nhu cầu tiêu dùng tăng cao hơn mức bình quân là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,76%, may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,94%. Hai nhóm có mức giá giảm là bưu chính viễn thông giảm 0,09% và hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,02%.