Du lịch các tỉnh thành bị ảnh hưởng vì dịch Covid – 19
Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai… là những địa phương có thế mạnh về du lịch. Nhưng trước đại dịch Covid- 19, các địa phương này cũng lâm vào thế khó khăn chung…
Du lịch các tỉnh thành thất thu vì dịch Covid – 19 |
Theo báo cáo của Sở Du lịch Khánh Hòa, ước tính trong quý I, Khánh Hòa đón khoảng 644 nghìn lượt khách du lịch, giảm 58,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế khoảng 415,36 nghìn lượt, giảm 52,6%; khách nội địa gần 229,5 nghìn lượt, giảm 66,3%. Lượng khách quốc tế giảm nhiều tập trung ở các thị trường chính như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga.
Khách du lịch bị giảm sâu chưa từng có, công suất phòng bình quân của các khách sạn trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 24,5%; một số khách sạn đã đóng cửa từ đầu tháng 3. Ước tính quý I, tổng thu từ khách du lịch của Khánh Hòa thiệt hại khoảng 5.400 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Thừa Thiên Huế, Sở Du lịch cũng cho biết giảm tới 80% lượng khách du lịch trong tháng 3. Lượng khách trong quý I ước đạt 853 nghìn lượt, giảm hơn 32% và chỉ đạt gần 68% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, khách quốc tế ước đạt 488 nghìn lượt, đạt 75% so với cùng kỳ; khách lưu trú ước đạt 429 nghìn lượt, đạt 75%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.102 tỷ đồng, đạt 76%.
Riêng trong tháng 3, khách đến tỉnh ước đạt 90 nghìn lượt, giảm 80% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách quốc tế ước đạt 49 nghìn lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 340 tỷ đồng, đạt khoảng 34% so với tháng 3/2019.
Theo Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế, lượng khách trong tháng 1 vẫn tăng so với cùng kỳ, nên cả quý I chỉ giảm 32%, bởi sang tháng 2 và tháng 3 khách đến tỉnh giảm sâu do dịch bệnh. Riêng trong tháng 3/2020, giảm đến 80% là do dịch bệnh Covid-19.
Tại Bà Rịa- Vũng Tàu, địa phương vốn thu hút rất nhiều khách du lịch cũng gặp tình cảnh tương tự. Theo báo cáo từ Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT), tổng lượng khách du lịch trong quý I/2020 ước đạt hơn 2.727 nghìn lượt, giảm 23,4% so với cùng kỳ, ước đạt 15,15% kế hoạch năm.
Trong đó, tổng lượt khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch ước đạt 625 nghìn lượt, giảm 29,25% so với cùng kỳ; ước đạt 14,89% kế hoạch năm. Riêng khách quốc tế lưu trú ước đạt 70,8 nghìn lượt, giảm 40,25% so với cùng kỳ; ước đạt 12,21% kế hoạch năm.
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3.147 tỷ đồng, giảm 21,17% so cùng kỳ; ước đạt 15,8% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch ước đạt 1.025 tỷ đồng, giảm 23,35% so cùng kỳ, ước đạt 15,43% kế hoạch năm.
Tại Đồng Nai cũng giảm 10,6% doanh thu từ ngành du lịch trong quý I. Theo Sở VHTTDL Đồng Nai, tổng lượt khách du lịch đến tham quan và lưu trú tại Đồng Nai trong quý I/2020 ước đạt 940 nghìn lượt, giảm 18,4% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ du lịch đạt 361 tỷ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ.
Trước thực tế này, ngày 9/4/2020, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng đã ký văn bản số 1399/BVHTTDL-TCDL gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề xuất bổ sung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó Bộ VHTTDL đề nghị BHXH cho phép doanh nghiệp du lịch và người lao động chậm nộp bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6 năm 2021, đồng thời điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 theo hướng: (i) Giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu từ 12 tháng xuống còn 3 tháng trong 24 tháng qua; đơn giản hóa quy trình giải quyết quyền lợi cho lao động; (ii) Miễn các khoản đóng góp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (iii) Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng: Tăng tỷ lệ thay thế từ 60% lên 80%.
Cùng với các đề xuất chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, người lao động trong ngành du lịch, Bộ VHTTDL cũng đề xuất các giải pháp cụ thể cho 3 kịch bản diễn biến dịch Covid-19.
Trong kịch bản Việt Nam công bố hết dịch, ngành sẽ tập trung vào hoạt động kích cầu thị trường du lịch nội địa với sự tham gia của các địa phương, các doanh nghiệp vận chuyển và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch thông qua việc miễn/giảm có thời hạn giá dịch vụ (hàng không, lưu trú, phí tham quan...); tập trung vào phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc, du lịch MICE. Tập trung triển khai chiến dịch truyền thông “Du lịch Việt Nam an toàn”. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có các gói kích cầu tiêu dùng, trong đó có kích cầu người tiêu dùng trong nước sử dụng dịch vụ du lịch. Triển khai xây dựng Trung tâm điều hành du lịch thông minh phục vụ chuyển đổi số ngành du lịch trong và sau dịch Covid-19.
Với kịch bản Việt Nam và một số nước khác công bố hết dịch (dự kiến các nước trong khu vực châu Á có khả năng hết dịch sớm hơn), cần hỗ trợ ngành Du lịch đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tập trung phát động chương trình: “Việt Nam an toàn và hấp dẫn” - “Vietnam NOW - Safety and Smiling” , khẳng định Việt Nam đã thành công trong đẩy lùi dịch Covid-19 và tiếp tục là điểm đến an toàn, khách du lịch được chào đón trở lại, hoạt động kinh doanh du lịch được phục hồi; công bố các gói sản phẩm, dịch vụ ưu đãi. Cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tập trung quảng bá khách đến và đi du lịch các thị trường đã hết dịch, nhất là phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc, du lịch MICE. Ngoài ra, Bộ VHTTDL kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam liên quan đến miễn thị thực, miễn giảm phí thị thực nhập cảnh.
Khi thế giới công bố hết dịch, du lịch Việt Nam sẽ tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, truyền thông, phát triển sản phẩm du lịch mới. Triển khai rộng rãi các gói kích cầu đối với các thị trường du lịch, cả nội địa, quốc tế (inbound và outbound). Kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam như tăng tần suất, mở thêm đường bay đến các thị trường quốc tế, miễn thị thực, miễn giảm phí thị thực nhập cảnh.
Ngô Huyền