Dự án điện gió mini 'chết yểu'
5 năm trước, “mô hình điện gió mini” được thực hiện ở bãi giữa sông Hồng với kỳ vọng cung cấp cho người dân nơi đây nguồn điện sinh hoạt sạch, ổn định, giá rẻ... nhưng thực tế không như hy vọng
Dọc theo lối xuống khu vực bãi giữa sông Hồng nằm dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội), chúng tôi đến xóm Phao, nơi sinh sống của 35 hộ dân từ khắp nơi tụ về. Họ chọn lòng khúc sông Hồng làm nơi sinh sống, dựng nhà bấp bênh trên mặt nước, cuộc sống mưu sinh khó khăn.
Bãi giữa sông Hồng - nơi sinh sống của 35 hộ dân cư ngụ trong những căn nhà bấp bênh trên mặt nước. |
Kỳ vọng nguồn ''điện gió'' chi phí thấp
Chật vật sinh sống nơi bãi giữa, người dân xóm Phao gặp vô vàn khó khăn, các nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt hàng ngày như nước sạch, điện,... cũng khó được đáp ứng.
Khoảng 5 năm trước, mô hình “điện gió mini” được một công ty phối hợp với các tổ chức phi chính phủ tiến hành lắp đặt cho người dân bãi giữa nhằm tập trung khai thác năng lượng gió với quy mô nhỏ, chi phí thấp, sử dụng cho các hộ dân nghèo.
Mô hình điện gió với cấu tạo bao gồm: cột thép, hệ cánh gió là 3 thau nhôm, bộ điều khiển sạc, nâng áp, bình ắc quy, bóng đèn LED 9W. Ngay kể cả khi gió nhẹ, những chiếc thau nhôm này cũng có thể quay, tạo ra nguồn điện. Dự án đặt ra nhiều kỳ vọng giúp đỡ những người dân nơi đây có được nguồn năng lượng sạch, ổn định, tiết kiệm chi phí...
Mục đích ban đầu tốt đẹp là vậy, nhưng đến nay, theo ghi nhận của phóng viên, dự án “điện gió sông Hồng” gần như “phá sản”.
Những cột hút gió nằm chênh vênh trên mũi nhà phao. |
Không khả thi
Xóm Chài vào một chiều đầu đông, hình ảnh những ''cây cột hút gió'' trong dự án “điện gió bãi giữa sông Hồng” hiện lên xiêu vẹo. Gọi là cột hút gió, nhưng thực chất đó chỉ là những cánh quạt gió bằng chậu nhôm, giờ cái còn cái mất, ngả nghiêng bên góc đường ven xóm bãi, chênh vênh trên các nhà phao.
Ông Nguyễn Đăng Được - người đàn ông trung tuổi được gọi là trưởng xóm nói với chúng tôi, “trước đây từng được cho điện gió, nhưng nói thật là không khả thi lắm”.
Lý do ông Được đưa ra là bởi vì khu vực này không có gió. Thiết bị được làm ban đầu từ chậu nhựa sau được chuyển thành chậu nhôm, nhưng tua-bin bé quá nên hầu như không phát ra điện.
“Khi lắp đặt đơn vị trao tặng cũng nói đây là dự án thí điểm để nhân rộng và nghiên cứu những giải pháp tốt hơn. Sau đó, họ cũng xuống thêm một lần, từ đó không thấy ai quay lại”, ông Được chia sẻ, giọng đượm vẻ tiếc nuối.
Khi được hỏi lí do khi dự án không hoạt động sao người dân không thông báo với chủ dự án và chính quyền đề nghị hỗ trợ, ông Được thật thà giãi bày: “Người ta đã cho mình dùng thì cũng là quý. Mình không có mà họ đem cho vậy là tốt rồi”.
Ông Nguyễn Đăng Được chia sẻ về câu chuyện điện gió ở xóm phao |
Phân tích, lý giải nguyên nhân khiến dự án này thất bại, TS. Nguyễn Trịnh Hoàng Anh - Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIET SE) cho rằng: ''Các dự án tài trợ thường chưa chú ý đến yếu tố bền vững trong dài hạn, phương án tài chính cho sửa chữa/bảo dưỡng, thay thế thiết bị và đào tạo cho nhân lực tại chỗ để duy trì dự án, dẫn tới dự án chưa có tính khả thi cao và chưa giải quyết được vấn đề thiếu điện cho người dân ở những khu chưa có điện lưới quốc gia''.
Quay về trữ điện vào bình ắc quy
Theo ghi nhận của chúng tôi, người dân xóm chài hiện đang sử dụng nguồn điện từ tấm pin năng lượng mặt trời được đặt trên từng mái tôn của mỗi hộ gia đình, cung cấp nhu cầu điện tối thiểu để sinh hoạt.
Thế nhưng nguồn điện này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Những ngày không có nắng, ngày mưa, tối trời, những tấm pin năng lượng mặt trời này gần như không sản sinh ra điện năng.
Do vậy, vào mùa đông, người dân lại phải đưa bình ắc quy vào bờ để nạp điện tích trữ. Trung bình mỗi lần đi “mua điện” nạp bình ắc quy như thế, mỗi hộ dân phải chi trả khoảng 30.000 - 40.000 đồng nhưng dùng tiết kiệm thì cũng chỉ được hơn một tuần.
''Cột hút gió'' xiên xẹo bên vệ đường, dùng làm cột chăng dây phơi quần áo. |
Thuỳ Trang (Học viện Báo chí & Tuyên truyền)
Ảnh: Việt Hưng