Đột ngột ngừng tim, người đàn ông may mắn thoát chết, bác sĩ chỉ ra những lưu ý sống còn
Trước lúc vào viện 30 phút bệnh nhân xuất hiện đột ngột đau tức ngực trái từng cơn, đau lan lên vai, cổ, đến khi chuyển đến phòng can thiệp thì đột ngột xuất hiện ngừng tim
Các bác sĩ BV đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân N |
22h đêm ngày 12/11, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã can thiệp tim mạch cấp cứu thành công cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim có ngừng tim.
Bệnh nhân Trần Văn N., 67 tuổi, trú tại xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang có tiền sử tăng huyết áp, trước lúc vào viện 30 phút bệnh nhân xuất hiện đột ngột đau tức ngực trái từng cơn, đau lan lên vai, cổ và xuống cánh tay trái trong cơn khó thở, vã mồ hôi, ở nhà đã dùng thuốc nhưng không đỡ nên được gia đình đưa đến Bệnh viện cấp cứu.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhân đã được thăm khám và điều trị tích cực, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên, kèm theo rối loạn nhịp tim có nguy cơ ngừng tim.
Bệnh nhân được chỉ định can thiệp mạch vành cấp cứu ngay.
Thạc sỹ Bác sỹ Phạm Ngọc Tân – Phó trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Khi bệnh nhân vừa được chuyển đến phòng can thiệp, đột ngột xuất hiện ngừng tim, lập tức được kíp trực sốc điện khử rung tim cấp cứu ngay.
Sau sốc điện khử rung đã có nhịp tim trở lại và rối loạn nhịp tim nặng nề, được kíp can thiệp xử trí ngay bằng thuốc đặc trị kịp thời.
Kết quả chụp động mạch vành cho thấy, bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch vành phải (RCA) từ đoạn 2, hẹp 40% đoạn 1-2 nhánh trái (LAD, LCX). Bệnh nhân đã được can thiệp và đặt 1 stent động mạch vành phải thành công. Kết quả sau can thiệp, mạch thông tốt, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, các chỉ số sinh tồn ổn định, được đưa về khoa Cấp cứu để tiếp tục được theo dõi và điều trị.
Bác sỹ cho biết thêm, đây là ca thứ 355 được thực hiện chụp mạch và can thiệp mạch tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Người bệnh khi có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, đặc biệt là những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch, khi thấy cơn đau thắt ngực, cần đến ngay Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang với thời gian ngắn nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời, tránh để biến chứng xảy ra.
Theo các bác sĩ, nhồi máu cơ tim cấp nặng có tỉ lệ tử vong rất cao đặc biêt ở bệnh nhân khi có biến chứng ngừng tuần hoàn. Để đạt được thành công cần phải được chẩn đoán và cấp cứu sớm, với dây chuyền cấp cứu hợp lý và kỹ năng của nhân viên y tế phải thành thạo kết hợp với trang bị cần thiết .
Tại Việt Nam mỗi năm có 200.000 người thiệt mạng do bệnh lý tim mạch, mà nguyên nhân hàng đầu là nhồi máu cơ tim.
Theo Viện tim Mạch học Quốc gia (Việt Nam) chỉ có 2% bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến được bệnh viện trong khoảng “thời gian vàng” (dưới 2 tiếng). Đồng thời có 40/100 người đến bệnh viện kiểm tra trước 12 tiếng, sau khi cảm thấy cơn đau thắt ngực do nhồi máu cơ tim gây ra. Điều này làm giảm tỷ lệ cứu sống hoặc tăng di chứng đối với bệnh nhân không được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Hồ Minh Tuấn, Trưởng khoa Tim mạch – Bệnh viện FV cho biết thêm, để ngăn ngừa tình trạng nhồi máu cơ tim, những người có các triệu chứng như thường xuyên đau tức ngực, khó thở, ngất hay chóng mặt, mệt mỏi; hoặc người có tiền sử mắc các bệnh lý tim mạch, có chẩn đoán mỡ máu xấu, béo phì, sử dụng thuốc lá nhiều, cần thường xuyên tầm soát và theo dõi sức khỏe tim mạch, để đề phòng những cơn nhồi máu cơ tim.
Bên cạnh đó, bệnh nhân từng được chẩn đoán nhồi máu cơ tim nên có một chế độ dinh dưỡng hợp lý (không sử dụng các chất kích thích rượu bia, ca phê...), thay đổi lối sống lành mạnh, vận động thể thao phù hợp, để hạn chế sự tái phái của bệnh lý này về sau.
N. Huyền