Đóng góp đầu năm học: Đóng thì tức, không đóng thì lo
Bảng kê chi chít các khoản nộp đầu năm học mới vào Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) Ảnh: TRẦN THƯỜNG |
Khi các biện pháp xử lý nạn lạm thu các khoản đóng góp đầu năm học không đủ “đô” thì phụ huynh sẽ phải mang tâm trạng: Đóng thì tức, không đóng thì lo.
Những ngày qua, nhiều phụ huynh Trường Tiểu học số 2 Võ Xán, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định rất bức xúc khi nghe con em đi học về thông báo nhà trường yêu cầu mặc đồng phục do trường bán với giá từ 160.000 - 175.000 đồng/bộ, tùy kích cỡ.
Nhiều khoản “trời ơi”
“Trước khi bước vào năm học mới, gia đình đã mua sắm đầy đủ sách vở, dụng cụ học tập và quần áo cho các cháu. Đùng một cái, nhà trường lại thông báo học sinh (HS) phải mặc đồng phục mà chưa thông qua ý kiến phụ huynh.
Đầu năm học, chúng tôi phải nộp bao nhiêu loại tiền, giờ phải mua thêm đồng phục nữa thì thật là chóng mặt” - bà Nguyễn Thị Hương, phụ huynh HS Trường Tiểu học số 2 Võ Xán, bức xúc.
Sổ tay ghi lại các khoản tiền phải nộp đầu năm học 2014 của một học sinh lớp 8 ở huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu Ảnh: DUY NHÂN |
Ông Nguyễn Thế Hào, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Tây Sơn, khẳng định các trường ở địa phương không được bắt buộc HS may, mua, mặc đồng phục nếu chưa nhận sự đồng thuận từ phụ huynh. Nếu Trường Tiểu học số 2 Võ Xán chưa thông qua ý kiến phụ huynh mà bắt HS mặc đồng phục là sai. “Chúng tôi sẽ sớm làm rõ, xử lý vụ việc” - ông Hào nói.
Không riêng gì phụ huynh của Trường Tiểu học số 2 Võ Xán, nhiều phụ huynh HS khác trên cả nước cũng “lên tăng-xông” trong những ngày đầu năm học vì đủ loại tiền. Bà Nguyễn Thị Hòa - có cháu đang học một trường mầm non ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - than: “Cháu tôi chỉ 2 tuổi mà đầu năm học phải nộp khoảng 2 triệu đồng. Trong đó có nhiều khoản tiền khá phi lý nhưng đành phải chấp nhận vì nói ra sợ các cô ghét”.
Một phụ huynh lớp 4, Trường Tiểu học Tạ Uyên, huyện Nhà Bè, TP HCM cho biết theo nguyên tắc, các khoản thu tự nguyện phải được phụ huynh HS thống nhất sau cuộc họp nhưng nhà trường đã tranh thủ thu trước nhiều khoản với lý do là không tăng so với năm học trước, như: Quỹ phụ huynh: 150.000 đồng, đề kiểm tra thường xuyên: 50.000 đồng, tiền kiểm tra định kỳ: 20.000 đồng...
Đặc biệt, bảng thông báo còn ghi mỗi tháng phụ huynh đóng thêm 430.000 đồng. “Khoản đóng thêm này không biết là khoản gì, dùng vào mục đích gì mà không có giải thích rõ ràng” - phụ huynh này nêu.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị H. làm công nhân ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Năm học này, con trai chị vào lớp 1 của Trường Tiểu học Kim Đồng. Cầm bảng kê các khoản thu phải nộp đầu năm, vợ chồng chị H. xanh cả mặt vì ngốn hết gần nửa tháng lương!
Điều làm chị H. bức xúc hơn là trong đó có nhiều khoản thu rất vô lý: Quỹ đội: 35.000 đồng, tiền bổ sung cơ sở vật chất bán trú: 100.000 đồng, tu sửa cơ sở vật chất: 50.000 đồng, tiền xây tượng đài anh Kim Đồng: 100.000 đồng.
May là chỉ có 1 con!
Theo nhiều phụ huynh, nếu nhìn vào từng khoản thu thì số tiền chỉ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Tuy nhiên, đâu chỉ có một vài khoản, nhiều trường “đẻ” ra đến hàng chục khoản thu với đủ loại tên gọi nên tổng số tiền phụ huynh phải nộp lên đến hàng triệu đồng.
Chị Trần Thị Hà (ngụ TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết đầu năm học, ngoài tiền sách vở, bút mực thì những khoản thu này thật sự là nỗi ám ảnh. “Tôi có 2 đứa con mới vào lớp 1. Đi họp phụ huynh, cô giáo nói mỗi em phải đóng gần 600.000 đồng. Lo chuyện ăn uống hằng ngày trong nhà đã cực, giờ phải đóng một lúc khoản tiền lớn như vậy, tôi không biết chạy ở đâu ra” - chị Hà rầu rĩ.
Chị Thủy - một bà mẹ đơn thân có con gái mới vào lớp 10 tại một trường THPT ở huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu - cho biết chị cũng đang đau đầu vì khoản thu đầu năm hơn 1,5 triệu đồng. “Tôi làm giáo viên mầm non cho một trường tư thục được trả lương chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng mà tiền thu đầu năm của con đã chiếm quá nửa” - chị Thủy chua chát.
Tương tự, chị Thanh - có con học lớp 8 Trường THCS Hộ Phòng, huyện Giá Rai - được nhà trường thông báo phải nộp các khoản phí với tổng số tiền gần 1 triệu đồng. “Vợ chồng tôi nghề nghiệp không ổn định. Cũng may chỉ có một đứa con, nếu nhiều hơn chắc không cách nào lo nổi” - chị Thanh nói.
Anh Thắng - có con học lớp 7 ở Trường THCS Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau - cho biết nhà trường chưa thông báo chính thức các khoản phí phải nộp đầu năm nay nhưng trong năm học trước, anh phải đóng trên 1 triệu đồng. “Năm ngoái, trường vận động đóng góp tráng sân, tôi cùng nhiều phụ huynh hưởng ứng nhưng không hiểu vì sao đến nay sân trường cỏ vẫn mọc đầy” - anh băn khoăn.
Mạnh tay với lạm thu
Họp phụ huynh đầu năm, giáo viên ít nói đến kế hoạch giảng dạy mà chủ yếu tập trung thông báo các khoản thu. Ít ai muốn nộp các khoản phi lý đó nhưng vì sợ con mình bị “đì” nên đành chấp nhận”.
Anh Lê Văn Cường (ngụ TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định)
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, dù Hội Cha mẹ HS chưa tổ chức họp để thống nhất các khoản thu tự nguyện nhưng ngày 23-7, lãnh đạo trường này đã ra thông báo yêu cầu các phụ huynh nộp tổng số tiền gần 1,1 triệu đồng/HS.
Ngoài Trường THPT Ngọc Lặc, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa còn “sờ gáy” Trường THPT Lê Văn Hưu (huyện Thiệu Hóa) khi trường này yêu cầu các HS lớp 10 phải đóng trước 2 triệu đồng các khoản đóng góp đầu năm. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 7-9, ông Lê Văn Nguồn, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, cho biết sở đã yêu cầu Trường THPT Lê Văn Hưu trả lại tiền cho HS và giải trình vụ việc.
Tương tự, Trường THPT Như Thanh 1 (huyện Như Thanh) đã thu 1,9 triệu đồng của HS khối lớp 10, trong đó có các khoản khó hiểu như: Học thêm: 624.000 đồng, khuyến học: 80.000 đồng, khảo sát: 120.000 đồng… Tiếp nhận thông tin này, ông Nguồn khẳng định sẽ cho kiểm tra ngay và có biện pháp xử lý.
Tuyên bố sẽ mạnh tay với lạm thu, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội, cho biết đầu năm học này, Sở GD-ĐT TP sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học. Ông Thống đề nghị khi phát hiện dấu hiệu sai phạm thu chi, học phí cũng như khoản phí khác, phụ huynh HS hãy gọi trực tiếp vào số điện thoại đăng trên website của sở để phản ánh, sở sẽ vào cuộc xử lý ngay lập tức.
Muốn học bán trú, phải đi “cửa sau”?
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (quận Tân Bình, TP HCM), những năm học trước, ở khối lớp 1 sẽ có 4 lớp bán trú, 2 lớp 1 buổi. Tuy nhiên, khi bà Trần Thị Phương về làm hiệu trưởng thì thay đổi hoàn toàn. Cụ thể: Năm học này, bà Phương đưa ra quyết định đổi lại chỉ 2 lớp bán trú, 4 lớp học 1 buổi.
Khi quyết định và danh sách học sinh được học bán trú công bố đã làm các phụ huynh bấn loạn. Các phụ huynh có con học lớp 1 buổi đã đến gặp lãnh đạo nhà trường đề nghị cho con học bán trú nhưng không được giải quyết.
Thế nhưng, sau đó 1 ngày, nhiều phụ huynh nhận được điện thoại riêng của cô hiệu phó yêu cầu muốn con được học bán trú thì lên gặp riêng cô hiệu trưởng. Trong cuộc gặp riêng này, hơn 60 phụ huynh nhận được đề nghị nếu muốn cho con học bán trú thì phụ huynh phải đóng góp tùy khả năng nhưng tối thiểu là 5 triệu đồng/HS!
Các phụ huynh cho biết cô hiệu phó đứng ra thu số tiền này và không hề có phiếu thu, phụ huynh được yêu cầu viết giấy tự nguyện đóng. “Phải chăng hiệu trưởng cố tình tạo ra cánh cửa hẹp “bán trú” này để ép phụ huynh phải đóng tiền?” - một phụ huynh đặt vấn đề.
Chiều 7-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Nghĩa Dũng, Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, cho biết nếu có tình trạng như phụ huynh phản ánh thì Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn đã làm rất sai. “Chúng tôi sẽ sớm kiểm tra để làm rõ những sự việc mà phụ huynh phản ánh” - ông Dũng khẳng định.
Đ.Trinh
Nguồn NLĐ