Đổi thay ở Thanh Tân
Ðổi thay ở xã thuần nông
Hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh với sáu trạm bơm tưới, tiêu, một âu đập chống úng, 12,4 km mương cứng, 8 km đường giao thông trục chính nội đồng, hệ thống điện được nâng cấp lại theo dự án RE2 có đầu tư của dự án, đóng góp của nhân dân với tổng kinh phí 4,16 tỷ đồng. Hệ thống trường học gồm mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia. Ngoài nhà văn hóa của xã, 7/7 thôn đều có nhà văn hóa thôn đạt quy chuẩn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nâng cấp tôn tạo hai khu di tích lịch sử - văn hóa, năm chùa, xã có trung tâm dịch vụ văn hóa thể thao, công viên cây xanh, có điểm Bưu điện văn hóa xã, các cơ quan công sở của xã và 10% hộ gia đình có nối mạng in-tơ-nét, 95% số nhà ở của dân được chỉnh trang theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng.
Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 24,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 3%, phấn đấu đến hết năm 2013 còn 2%. Ðến nay, Thanh Tân chỉ còn 25% số lao động trong độ tuổi làm nông nghiệp, toàn xã có ba hợp tác xã, bảy doanh nghiệp, 37 tổ hợp nghề, hàng trăm cơ sở dịch vụ hoạt động có hiệu quả. Năm 2012, xã có ba doanh nghiệp được đầu tư gồm: dệt may, in, dịch vụ văn hóa thể thao. Doanh nghiệp may xuất khẩu đã đi vào sản xuất với gần 1.000 công nhân, đưa tổng số lao động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ lên hơn 2.300 người tham gia, tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã đạt hơn 60%, 85% số dân tham gia Bảo hiểm y tế, 6/7 thôn, 100% số cơ quan, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa. 100% số hộ gia đình sử dụng nước sạch hợp vệ sinh (trong đó có 95% số hộ dùng nước máy), xã có khu xử lý rác thải được đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng. Ðội ngũ cán bộ xã đến nay đạt tiêu chuẩn đào tạo và độ tuổi theo quy định của Nhà nước. Ðảng bộ xã 14 năm liên tục đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Năm 2012 xã đạt 18/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Sáu tháng cuối năm 2013, xã phấn đấu đạt thêm tiêu chí cuối cùng để đạt 19/19 tiêu chí.
Bài học kinh nghiệm
Khi được hỏi vì sao Thanh Tân từ một xã trung bình, thuần nông của huyện Kiến Xương, mà chỉ trong bốn năm đã đạt được những kết quả tốt như vậy và những kinh nghiệm rút ra từ xây dựng nông thôn mới? Bí thư Ðảng ủy Phạm Văn Nhận vui vẻ trả lời: Thành công có được của Thanh Tân đến nay đó là nhờ ý Ðảng hợp lòng dân, quá trình xây dựng nông thôn mới bảo đảm công khai, minh bạch và huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân. Ðây cũng là bài học lớn mà Ðảng bộ chúng tôi rút ra khi tổng kết sau bốn năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của xã. Từ khi có Nghị quyết Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chúng tôi đã tìm hướng đi để xã Thanh Tân, thoát khỏi tình trạng thuần nông, lạc hậu. Khi Chính phủ chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng tôi vào cuộc ngay.
Từ năm 2009 Ðảng ủy đã ra nghị quyết chuyên đề xây dựng nông thôn mới, lập đề án, thành lập ban chỉ đạo của xã, phân công các đồng chí trong Ðảng ủy, cán bộ chủ chốt của xã, cán bộ các thôn phụ trách từng phần việc. Trong bốn năm qua, xã đã chỉ đạo lập được tám đồ án quy hoạch gồm: Quy hoạch chung; quy hoạch khu trung tâm xã; quy hoạch chi tiết nông nghiệp, giao thông đồng ruộng; quy hoạch điểm tái định cư nông thôn; quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất đến 2015; quy hoạch cụm công nghiệp; quy hoạch điểm dân cư (thị tứ). Cùng với đề án xây dựng nông thôn mới, xã đã chỉ đạo xây dựng tám đề án thành phần bao gồm: đào tạo nghề cho lao động; đề án phát triển tiểu thủ công nghiệp; dân số; sức khỏe sinh sản; dồn điền đổi thửa; thu gom phân loại xử lý rác thải sinh hoạt; phát triển kinh tế; bảo đảm an ninh trật tự; quản lý môi trường.
Cùng với Nghị quyết chung, xã đã xây dựng hai nghị quyết chuyên đề: về việc lãnh đạo thực hiện hai nhiệm vụ lớn "Giải phóng mặt bằng thực hiện quy hoạch giao thông nông thôn" và "Ðóng góp vốn đối ứng để tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên". Tất cả những vấn đề nêu trên đều được bàn bạc thống nhất trong thường vụ, Ðảng ủy, UBND, HÐND, trong ban chỉ đạo, được chỉ đạo chặt chẽ và thực hiện theo quy trình dân chủ bốn bước: Bàn thống nhất trong cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo; họp Hội đồng nhân dân mở rộng đến đại diện thôn, xóm, tổ dân cư; Họp Ðảng bộ mở rộng đến các ban chi ủy, tổ Ðảng; Họp đến nhân dân ở các thôn, khu dân cư. Khi họp với nhân dân ở các thôn, khu dân cư những vấn đề nêu trên đều được phổ biến, quán triệt bàn bạc thấu đáo thực hiện nghiêm túc pháp lệnh dân chủ về những vấn đề dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Khi họp với nhân dân những vấn đề lớn, xã đều phân công cán bộ xã họp với các thôn để nắm tình hình và có biện pháp chỉ đạo.
Bằng cách làm như trên cho thấy những chủ trương, nghị quyết của Ðảng đều được đưa tới nhân dân bàn bạc, thảo luận, đóng góp ý kiến, người dân thấy mình thật sự là người làm chủ trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ dân đã tự hiến đất, góp đất xây dựng đường giao thông, làm kênh mương, nhiều hộ đóng góp ngày công đào đắp công trình, tự dỡ bỏ nhà ở, công trình phụ để làm công trình chung.
Ðể bảo đảm công khai, minh bạch trong xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND xã Bùi Mạnh Hà cho biết, trong bốn năm qua do nhờ chỉ đạo chặt chẽ và nghiêm túc nên không để xảy ra thắc mắc khiếu kiện trong dân, mọi vấn đề đều được công khai dân chủ, phân cấp mạnh cho thôn quản lý. Lãnh đạo thôn bàn trực tiếp với dân, làm tốt thì thôn và dân được hưởng, yếu kém phải chịu, nhân dân được trực tiếp tham gia việc thu, chi xây dựng công trình nên mọi người rất hăng hái đóng góp vốn đối ứng, định kỳ, lãnh đạo thôn báo cáo thu chi trước nhân dân, bảo đảm công khai minh bạch. Cách làm trên vừa bảo đảm dân chủ, vừa công khai minh bạch, người dân thật sự được làm chủ, điều đó đã góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Chính vì vậy, trong bốn năm xây dựng nông thôn mới, ở Thanh Tân đã huy động được hơn 155 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 20,48 tỷ đồng (kể cả tiền ngày công, hiện vật, đất ở...), quá trình thực hiện không để xảy ra sai sót.